Ngoài 10 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố, 2 bị án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank - Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) đã bị tuyên án trước đó trong vụ án khác sẽ được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Thậm thụt hưởng lãi ngoài
Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như lấy danh nghĩa đi vay tiền gửi cho VietinBank đã trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của các đơn vị, cá nhân. Theo đó, Huyền Như sẽ nhận tiền gửi của các đơn vị với lãi suất ưu đãi, hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới. Cụ thể, lãi suất theo quy định thì do VietinBank trả, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng do Huyền Như trả.
Tháng 11-2010, biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được vào các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao, Huyền Như đã nhờ Võ Anh Tuấn gặp Đoàn Đăng Luật - Trưởng Phòng Nguồn vốn Navibank - trao đổi việc gửi tiền.
Mười cựu lãnh đạo Navibank phải hầu tòa sau kế hoạch chạy tội bất thành
Theo thỏa thuận, Navibank gửi tiền sang VietinBank Chi nhánh Nhà Bè sẽ được hưởng lãi suất từ 16,5%-22,5%/năm; lãi suất ghi trên hợp đồng là 14%/năm, lãi ngoài hợp đồng từ 2,5%-8,5%/năm; phần lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được trả cho Navibank ngay sau khi tiền được chuyển vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè mà không đợi đến hạn tất toán hợp đồng tiền gửi. Sau cuộc gặp này, Đoàn Đăng Luật đã báo cáo với lãnh đạo Navibank. Cựu Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí đã chỉ đạo, thống nhất phương án cho 14 nhân viên đứng tên trên các thủ tục vay tiền và gửi tiền.
Do thực chất số tiền của Navibank thỏa thuận với Võ Anh Tuấn gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè là do Huyền Như huy động nhằm mục đích chiếm đoạt nên Như đã ra lệnh cho Trần Thị Tố Quyên (người giúp việc) mang hồ sơ mở tài khoản của 14 nhân viên Navibank đến giao cho Đoàn Đăng Luật. Các nhân viên đứng tên vay ký một số chứng từ theo yêu cầu và giao tại Navibank, không đến VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục mở tài khoản theo quy định.
Do vậy, ngay từ khi nhận được 14 bộ hồ sơ để mở tài khoản tiền gửi, Như đã thay bằng hồ sơ do Như ký giả chữ ký của 14 nhân viên Navibank rồi đưa Quyên mang đến mở tài khoản tiền gửi tại Phòng Giao dịch Võ Văn Tần để thực hiện việc lập các chứng từ giả, giả chữ ký chủ tài khoản. Từ đó, tiền được chuyển ra khỏi tài khoản 14 nhân viên để Như sử dụng cá nhân.
Bằng những chiêu thức này, từ ngày 19-11-2010 đến 26-7-2011, Navibank đã cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.543 tỉ đồng gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM. Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỉ đồng; trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỉ đồng, lãi chênh lệch là 24,3 tỉ đồng. Số tiền lãi ngoài hợp đồng này Navibank đã chuyển cho 47 lượt cá nhân. Trong vụ án này, Huyền Như đã chuyển trả cho Navibank 1.343 tỉ đồng, còn 200 tỉ đồng mất khả năng thanh toán.
Kế hoạch đối phó bất thành
Sau khi Bộ Công an khởi tố Huỳnh Thị Huyền Như thì ông Lê Quang Trí cùng dàn lãnh đạo Navibank thời đó đã có cuộc họp khẩn lên phương án đối phó.
Tại cuộc họp khẩn cấp này, dưới sự chủ trì của ông Trí, dàn lãnh đạo đã thống nhất phương án nhờ Nguyễn Hồng Hà (Giám đốc Công ty Bắc Hà) ký khống hợp đồng mua bán ngoại tệ, hợp đồng nhận chuyển nhượng 6 hợp đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại VietinBank Chi nhánh TP HCM. Nội dung là Navibank tạm ứng cho Công ty Bắc Hà số tiền 200 tỉ đồng để mua ngoại tệ nhằm hợp thức hóa chứng từ, hạch toán khống, tất toán khống khoản vay 200 tỉ đồng của 4 nhân viên tại Navibank.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hà khai rằng đến tháng 6-2011, dư nợ của Công ty Bắc Hà tại Navibank là 118 tỉ đồng. Vào khoảng thời gian này, một lãnh đạo Navibank gặp ông đề nghị ký các hợp đồng vay 200 tỉ đồng của Navibank và ký hợp đồng chuyển nhượng, các biên bản giao 200 tỉ đồng cho 4 cá nhân để tất toán khoản nợ với Navibank về mặt chứng từ.
Thực tế, Công ty Bắc Hà chưa bao giờ giao 200 tỉ đồng cũng như không ký trực tiếp với 4 cá nhân, ông Hà là người ký đầu tiên trên các tài liệu này. Ông Hà khai không được hưởng lợi gì từ việc ký hồ sơ do Navibank yêu cầu. Hiện tại, Công ty Bắc Hà đã dừng hoạt động và vẫn còn dư nợ 118 tỉ đồng với Navibank.
Quá trình xử lý vụ án có nhiều đơn kiến nghị kêu oan của các bị can và luật sư. Luật sư của bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên Trưởng Phòng Kế toán Navibank) và một số bị cáo khác có ý kiến cho rằng: Bản án phúc thẩm phiên tòa xử Huỳnh Thị Huyền Như không hủy phần 200 tỉ đồng của Navibank và cũng không ra quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi liên quan đến số tiền này. Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND Tối cao lại truy tố các thành viên liên quan đến số tiền 200 tỉ đồng là vi phạm tố tụng do vi phạm nguyên tắc "một hành vi chỉ được xét xử một lần".
Ngoài ra, hành vi của Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank là "Tham ô tài sản" chứ không phải "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", không có cuộc họp Hội đồng Ủy ban Quản lý tài sản - nợ (Hội đồng Alco) quyết định việc gửi tiền sang VietinBank. Các bị cáo cũng không biết về chủ trương của Hội đồng Alco, chưa bao giờ thực hiện bất kỳ chỉ đạo nào của Hội đồng Alco cho nhân viên của Navibank vay tiền gửi sang VietinBank; việc Huỳnh Vĩnh Phát nhận tiền lãi suất chênh lệch là không trái pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ Công an và VKSND Tối cao đã có công văn trả lời rất rõ ràng, việc xử lý và truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Bổ sung tư cách Ngân hàng Quốc Dân
Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Quốc Dân trình bày rằng Bộ Công an chưa có bất kỳ buổi lấy lời khai nào đối với ngân hàng này.
Sau khi hội ý, chủ tọa đã công bố bút lục thể hiện Bộ Công an đã lấy lời khai của đại diện Ngân hàng Quốc Dân. Việc lấy lời khai đã được Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc Dân là ông Đặng Quang Minh ký tên và đóng dấu vào biên bản. Ngoài ra, tòa còn xác định thêm ngoài tư cách là nguyên đơn dân sự thì Ngân hàng Quốc Dân còn được bổ sung tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.