Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ ( tiền thân là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang) là một trong 21 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố phía Nam được thành lập theo Nghị định số 09/BTP-NĐ ngày 23/4/1976 của Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trải qua gần 47 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức Viện kiểm sát hai cấp thành phố Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong từng thời kỳ lịch sử và hiện nay là “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm. Đã tập trung lực lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp luôn chủ động và chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt những năm gần đây, đơn vị phát hiện được những nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm, tội phạm và phát sinh tranh chấp khiếu kiện, Viện đã ban hành nhiều kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, có biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm, đảm bảo cho việc thực thi pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chung tay cùng với các cấp, các ngành xây dựng một thành phố Cần Thơ yên bình, thịnh vượng.
Chặng đường 47 năm với những giai đoạn mang tính bước ngoặt lịch sử. Cùng với sự phân chia địa giới hành chính của thành phố Cần Thơ, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ trải qua 03 giai đoạn xây dựng, trưởng thành và phát triển:
- Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1976 đến năm 1991) là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ).
- Giai đoạn thứ hai (từ năm 1992 đến năm 2004) là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cần Thơ.
- Giai đoạn thứ ba (từ năm 2005 đến nay) là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương.
1. Nỗ lực vượt qua những khó khăn trong giai đoạn mới thành lập ( từ năm 1976 đến năm 1991)
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc sang củng cố nền hoà bình, xây dựng và phát triển đất nước. Trong tình hình mới, để cụ thể hoá Sắc luật số 01-SL/76, ngày 27/4/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam ra Thông tư số 10/BTP/TT hướng dẫn về việc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam. Trước đó, ngày 23/4/1976, Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 09/BTP-NĐ, thành lập 21 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Trung ương ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ).
Trong những ngày đầu thành lập, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) có 14 Viện kiểm sát huyện, thành phố Cần Thơ và thị xã Sóc Trăng; với tổng biên chế trên 35 người.
Ban lãnh đạo Viện gồm có: Viện trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, các đồng chí Phó Viện trưởng : Nguyễn Minh Trình, Võ Văn Kiệu, Phạm Thông, Nguyễn Văn Sen, Hồ Thanh Long.
Trong giai đoạn đầu thành lập, căn cứ vào Sắc luật 01/SL-76 thì Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chính sách của chính quyền Cách mạng, góp phần bảo đảm cho pháp luật, chính sách được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình to lớn về vị trí, chức năng của ngành Kiểm sát khi Hiến pháp 1980 được ban hành và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 được thông qua, quy định Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật ( hay còn gọi là chức năng kiểm sát chung). Trên cơ sở đó, thực hiện các Chỉ thị công tác hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai cấp Kiểm sát tỉnh Hậu Giang đã tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; Trong thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát hai cấp đã truy tố, xét xử hàng trăm vụ án hình sự, đặc biệt là những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia tại địa phương.
Nhìn chung, đây là giai đoạn sơ khởi của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang ( tiền thân của VKSND thành phố Cần Thơ) vừa phải thực hiện chức năng nhiệm vụ vừa phải xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những thành tựu nhất định.
2. Hiến pháp 1992 ra đời cùng với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ( 1992, 2002) tạo tiền đề cho những thay đổi mang tính bước ngoặt của ngành Kiểm sát tỉnh Cần Thơ ( từ năm 1992 đến năm 2004)
Tại kỳ họp lần thứ X, Quốc hội khóa 8 thông qua Nghị quyết phân chia địa giới hành chính tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, ngày 14/3/1992, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 05B và 06B/QĐ/TCCB chia tách Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cần Thơ và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Lúc bấy giờ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cần Thơ bao gồm Viện kiểm sát tỉnh, 07 Viện kiểm sát nhân dân huyện, Viện kiểm sát thành phố Cần Thơ và thị xã Vị Thanh.
Với tổng biên chế phân bổ cho hai cấp là 120 người, trong đó: Kiểm sát viên trung cấp là 35 người, Kiểm sát viên sơ cấp là 47 người; Trình độ: Cử nhân – Cao cấp chính trị: 21, Trung cấp chính trị: 18, Đại học Luật: 46, Cao đẳng Kiểm sát: 41, Trung cấp Luật: 10 người.
Ban lãnh đạo Viện gồm: đồng chí Lê Thành Tôn ( Viện trưởng từ năm 1992 đến năm 1997); đồng chí Nguyễn Thành Lai ( Viện trưởng từ năm 1997 đến năm 2001); các đồng chí Phó Viện trưởng: Hồ Thanh Long, Quách Trí Thức, Hầu Thị Bích Vân.
Trong giai đoạn này, bản Hiến pháp 1992 ra đời và Luật Tổ chức Viện kiểm sát 1992 và 2002 được ban hành. Theo đó, chức năng của Viện kiểm sát có sự thay đổi lớn khi không còn thực hiện công tác kiểm sát chung nữa để tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Lần đầu tiên, Luật đã phân định rõ phạm vi, nội dung của chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp (tại các Điều 13, 14, 17 và 18 Luật Tổ chức Viện kiểm sát 2002). Theo đó, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Cần Thơ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Viện kiểm sát 2 cấp đã truy tố trên 10 ngàn vụ án hình sự đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; Tiến hành nhiều cuộc kiểm sát thường kỳ và bất thường tại nhà tạm giữ, trại tạm giam đúng quy định pháp luật; Công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự thực hiện đầy đủ và đúng quy định...
Công tác xây dựng Ngành được quan tâm đúng mức, chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung của toàn Ngành. Điều kiện cơ sở vật chất đã dần được nâng cấp, đầu tư và hoàn thiện, phục vụ tốt yêu cầu công việc.
3. Thành phố Cần Thơ chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương - Bước chuyển mình của ngành Kiểm sát thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới (từ năm 2005 cho đến nay)
3.1. Cơ cấu bộ máy tổ chức
Năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, thành phố Cần Thơ được công nhận là Đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có quyết định số 17 và 18/2004/QĐ-TCCB ngày 12.11.2004 chia tách Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cần Thơ thành 2 Viện kiểm sát là: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương. Lúc này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ được thành lập với 09 Viện kiểm sát quận, huyện và Viện kiểm sát thành phố.
Lúc mới thành lập, Ban lãnh đạo Viện gồm có các đồng chí: Hồ Thanh Long – Viện trưởng (từ 9/2001 đến 8/2012). Các Phó Viện trưởng: Hầu Thị Bích Vân (từ 11/2001 đến 8/2014); Huỳnh Phi Hội (từ 01/2004 đến 11/2014).
Thời điểm mới chia tách, do phải điều động lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang nên biên chế Viện kiểm sát hai cấp thành phố Cần Thơ chỉ có 75 người, với 8 Phòng nghiệp vụ và Văn phòng tổng hợp; 08 VKSND cấp quận, huyện. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu thốn, hạn chế.
Đến cuối năm 2009, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ từng bước được kiện toàn, gồm 11 Phòng nghiệp vụ và Văn phòng tổng hợp. Bên cạnh đó, VKSND huyện Thới Lai và VKSND quận Thốt Nốt được thành lập theo sự phân chia địa giới hành chính mới của thành phố Cần Thơ. Kể từ đó nay, VKSND thành phố Cần Thơ chính thức có 09 đơn vị cấp quận, huyện trực thuộc (gồm VKSND các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và VKSND các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh). Tổng biên chế được phân bố cho cả hai cấp là 156 người. Về trình độ: Cử nhân – Cao cấp chính trị: 27; Trung cấp chính trị: 20; Thạc sĩ: 01; Đại học Luật: 135; Cao đẳng Kiểm sát: 01 và Trung cấp Kiểm sát: 01 người.
Ban lãnh đạo Viện gồm có các đồng chí: Hồ Thanh Long – Viện trưởng. Các Phó Viện trưởng: Hầu Thị Bích Vân; Huỳnh Phi Hội; Nguyễn Thống Nhất (từ 10/2009 đến 7/2012).
Từ năm 2012 đến năm 2017, theo cơ cấu tổ chức chung của VKSND tối cao, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án án hình sự về trật tự xã hội và Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma túy được sát nhập trở lại thành Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, ma túy và trật tự xã hội; Đồng thời thành lập Thanh tra ( tương đương cấp phòng) trực thuộc VKSND TP Cần Thơ. Lúc này, hai cấp Kiểm sát thành phố Cần Thơ chính thức có 12 Phòng nghiệp vụ và Văn phòng tổng hợp.
Ban lãnh đạo Viện gồm các đồng chí: Nguyễn Thống Nhất ( Viện trưởng từ 8/2012 đến 6/2017). Theo đó:
Từ 2012 - 2014: Các đồng chí Phó Viện trưởng: Hầu Thị Bích Vân, Huỳnh Phi Hội, Huỳnh Văn Ri (từ 11/2012 đến 5/2017).
Từ 2014 - 2017: Các đồng chí Phó Viện trưởng là Trần Thị Tám (từ 11/2014 đến nay), Huỳnh Việt Thanh (từ 3/2015 đến nay).
Từ năm 2017 đến năm 4/2022, cơ cấu tổ chức không thay đổi nhiều so với giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017. Trong đó: Ban lãnh đạo Viện gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Ri (Viện trưởng từ 6/2017 đến 4/2022). Các đồng chí Phó Viện trưởng: Trần Thị Tám, Huỳnh Việt Thanh, Nguyễn Thanh Sang (từ 7/2018 đến nay).
Trải qua 47 năm, từ những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực và vật lực buổi ban đầu, đến nay cơ cấu bộ máy tổ chức đã từng bước kiện toàn và hoàn thiện. Hiện, toàn ngành Kiểm sát thành phố đã có 09 phòng nghiệp vụ và Văn phòng tổng hợp; 09 đơn vị cấp quận, huyện trực thuộc (gồm VKSND các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và VKSND các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh).
Tính đến hết tháng 1/2024, tổng số công chức và người lao động 02 cấp là 192 biên chế và 42 hợp đồng lao động. Về chức danh chuyên môn: 01 Kiểm sát viên cao cấp; 61 Kiểm sát viên trung cấp; 82 Kiểm sát viên sơ cấp; 07 Kiểm tra viên chính; 21 Kiểm tra viên, 08 Chuyên viên: 11 Kế toán; Cơ yếu: 01; Cán sự: 01... Trình độ Thạc sĩ: 27 người, Cử nhân: 159 người; Cao đẳng : 02 người và Trung cấp là 04 người. Trình độ lý luận Chính trị: Cử nhân chính trị là 03; Cao cấp lý luận chính trị là 48 và Trung cấp lý luận chính trị là 77.
Từ tháng 6/2022 đến tháng 15/2/2024, Ban lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ gồm 04 đồng chí: Viện trưởng: đồng chí Phạm Thanh Từng. Các đồng chí Phó Viện trưởng: Huỳnh Việt Thanh, Trần Thị Tám, Nguyễn Thanh Sang.
Hiện nay, Ban lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ gồm 04 đồng chí: Viện trưởng: đồng chí Nguyễn Đình Trung. Các đồng chí Phó Viện trưởng: Huỳnh Việt Thanh, Trần Thị Tám, Nguyễn Thanh Sang.
Về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác:
- Từ 3/2021, VKSND thành phố Cần Thơ di dời đến trụ sở mới: số 19, Khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
- Hiện nay, trụ sở VKSND quận Ninh Kiều đang hoàn thiện; VKSND quận Thốt Nốt, VKSND quận Cái Răng đưa vào sử dụng trụ sở mới; phương tiện đi lại, máy móc, trang thiết bị làm việc trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công việc.
3.2. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Về chức năng, nhiệm vụ, trong giai đoạn này, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Hiến pháp , Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác liên quan, hai cấp kiểm sát thành phố Cần Thơ tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhưng thu hẹp phạm vi chức năng kiểm sát, chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp, không thực hiện công tác kiểm sát trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (gọi tắt là chức năng kiểm sát chung).
Để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “Trước mắt Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án”. Quán triệt quan điểm đổi mới và nội dung cải cách tư pháp được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; thực hiện các quy định mới của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, VKSND thành phố Cần Thơ nói riêng đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó đã xác định: “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm” là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm.
Hàng năm, trong kế hoạch công tác Kiểm sát, đơn vị luôn xác định khâu đột phá, trọng tâm từ đó đề ra nhiều biện pháp tổ chức nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử, tập trung giái quyết tốt các vụ án điểm, án áp dụng thủ tục rút gọn, phối hợp với Tóa án đưa ra xét xử nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã góp phần tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát thành phố Cần Thơ luôn tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao qua từng năm, kết quả đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành đề ra; tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị tăng lên, kịp thời ban hành các kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Các kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát được Tòa án xét xử chấp nhận, luôn đạt tỷ lệ cao.
Công tác phối hợp liên ngành được đẩy mạnh nhằm thống nhất về quan điểm và biện pháp trong phát hiện và xử lý tội phạm. Những hoạt động đó đã khẳng định được vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong đẩy mạnh tiến độ giải quyết án, góp phần làm giảm tội phạm ở nhiều lĩnh vực, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên phạm vi thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Qua từng năm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo Phòng nghiệp vụ hoàn thiện hệ thống quy chế trong các lĩnh vực công tác, theo hướng nâng cao trách nhiệm pháp lý cá nhân của Kiểm sát viên trong công tác phối hợp. Quan tâm nghiên cứu, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn và tự đào tạo, xây dựng nhiều chuyên đề nghiệp vụ. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo; hướng dẫn, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vướng mắc của Viện kiểm sát hai cấp.
Đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,... Hàng năm, đơn vị kiểm sát giải quyết hàng nghìn vụ, việc. Trong công tác này, hai cấp Kiểm sát thành phố Cần Thơ tập trung kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ, tham gia phiên tòa, phiên họp, kiểm sát án văn...theo đúng quy định.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hai cấp Kiểm sát thành phố còn chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu và trình chiếu tại phiên tòa đem lại hiệu quả thiết thực và được nhiều đơn vị bạn nghiên cứu, học tập. Từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; góp phần tích cực vào việc tuyên truyền vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ngành cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp Nhân dân thành phố.
Có thể nói, cùng với chặng đường xây dựng và trưởng thành,Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu mà các thế hệ cha, anh đi trước, tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động Viện kiểm sát thành phố hai cấp thành phố qua các thời kỳ luôn khắc ghi lời dạy của Bác đối với ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, cùng nhau nỗ lực cố gắng, chung sức, chung lòng xây dựng ngành Kiểm sát nói chung và VKSND thành phố Cần Thơ nói riêng ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; Cùng với các Sở, ban, ngành thành phố chung tay xây đắp cho mảnh đất Tây Đô ngày càng xinh đẹp, trù phú, xứng tầm là Thủ phủ đất Chín Rồng.
*Vài nét tiêu biểu về Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ:
- Trụ sở mới: Số 19, Khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
- Viện trưởng đương nhiệm: Ông Nguyễn Đình Trung ( Kiểm sát viên cao cấp)
- Bài hát truyền thống của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ: Bài tân cổ: Màu áo em yêu – Tác giả: Hoài Vân
- Các thành tích tiêu biểu đã đạt được từ Ngày thành lập:
+ 01 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2013)
+ 06 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004, 2009, 2010, 2020, 2021, 2022)
+ 04 tập thể được nhận Huân chương Lao động hạng Ba (2004, 2012, 2018, 2019)
+ 07 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ( 2004, 2006, 2009, 2012, 2013, 2020).
+ Tập thể VKSND TP Cần Thơ được vinh dự nhận Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2023.
Cùng nhiều tập thể và cá nhân được nhận Cờ thi đua của Ngành; Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tháng 2/2024
Ban biên tập Trang TTĐT tổng hợp, VKSND TP. Cần Thơ
Ban biên tập Trang TTĐT tổng hợp, VKSND TP. Cần Thơ