Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, tổ chức tốt sinh hoạt chuyên đề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt tại Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện.
Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa X) “Về việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/07/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về việc hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, căn cứ vào các nhóm vấn đề đã được nêu trong Hướng dẫn số 08-HD/TU ngày 12/11/2018 của Thành ủy Cần Thơ, Chi ủy lựa chọn vấn đề có tính chất mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ để nâng cao nhận thức, năng lực và sức chiến đấu của đảng viên.
Thực trạng về việc sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ
Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân trực thuộc Đảng bộ huyện Phong Điền, có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại huyện Phong Điền; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công chức và người lao động; xây dựng chi bộ và cơ quan Viện kiểm sát nhân dân huyện vững mạnh.
Chi bộ hiện có 12 đảng viên (nữ: 06 đồng chí, Nam: 06 đồng chí). Về trình độ lý luận chính trị: 02 cao cấp, 03 trung cấp. Về chuyên môn, nghiệp vụ: Thạc sĩ: 05 Cử nhân luật 06, Lái xe: 01.
Những kết quả đạt được
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh hoạt chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ là để tập thể thảo luận, bàn bạc, lựa chọn giải pháp để giải quyết một vấn đề cần đặt ra trong công tác lãnh đạo của chi bộ[1]. Do vậy, khi sinh hoạt chuyên đề Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện đã dành toàn thời gian để đảng viên tập trung thảo luận sâu chủ đề mà Chi ủy đã lựa chọn, không gắn hoặc lồng ghép với sinh hoạt thường kỳ. Phân công đảng viên là Lãnh đạo Viện hoặc đảng viên là Lãnh đạo đoàn thể cùng các đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực để xây dựng nội dung chuyên đề, báo cáo trước chi bộ. Sau buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Chi bộ kết luận, thống nhất giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Chi bộ trong thời gian qua.
Thực hiện Hướng dẫn số 08-HD/TU ngày 12/11/2018 của Thành ủy Cần Thơ, Chi ủy Chi bộ đã bám sát 07 nhóm vấn đề được nêu cụ thể trong nội dung hướng dẫn, sự lãnh đạo của Huyện ủy, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy; chỉ thị, kế hoạch công tác kiểm sát của Ngành để cụ thể hóa kế hoạch sinh hoạt chuyên đề từng quý gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chi bộ chú trọng xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề gắn với lời dạy của Bác đối ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” với các các phong trào thi đua trong Ngành, như: cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; “Cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân thực hiện văn hóa công sở”; thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Trên cơ sở đó, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, khâu công tác đột phá chi bộ xây dựng các chuyên đề gắn với việc nâng cao nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại địa phương. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chi ủy và đảng viên, tạo được môi trường sinh hoạt chi bộ dân chủ, thẳng thắn, là điều kiện để mỗi đảng viên tự giác soi mình, thẳng thắn thảo luận nội dung chuyên đề, tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị của đảng viên trong khắc phụ khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những hạn chế, khó khăn trong thời gian qua
Sau gần hai năm kể từ khi xuất hiện, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế -xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân[2]. Tại đơn vị cũng đã xảy ra 02 đợt dịch Covid-19 nên đơn vị phải phong tỏa một số phòng làm việc để tự cách ly y tế. Thành ủy Cần Thơ cũng đã có văn bản số 230-CV/TU ngày 6/8/2021, về việc tạm thời chưa tổ chức sinh hoạt Đảng thường kỳ trong thời gian giãn cách xã hội. Do vậy, có thời gian Chi bộ đã không tổ chức sinh hoạt thường kỳ cũng như sinh hoạt chuyên đề. Để khắc phục khó khăn trước tình hình dịch bệnh, đảm bảo sự lãnh đạo của chi bộ đối với đảng viên, Bí thư Chi bộ đã thống nhất với Chi ủy tổ chức sinh hoạt chi bộ bằng bằng hình thức trực tuyến thông qua phần mềm Zoom. Tuy nhiên, việc ứng dụng phần mềm trong thời gian đầu cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: đảng viên được phân công tổ chức sinh hoạt chuyên đề khi truyền đạt nội dung thường bị ngắt quãng do phần mềm, đường truyền hoạt động thiếu tính ổn định; nội dung sinh hoạt chi bộ chủ yếu là phổ biến, quán triệt chuyên đề, ít trao đổi, thảo luận; một vài đảng viên trẻ còn tình trạng ngại phát biểu, thiếu tập trung,… Đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ.
Bài học kinh nghiệm
Một là, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của Bí thư, Chi ủy và đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ.
Hai là, Chi ủy chi bộ luôn bám sát hướng dẫn của số 08-HD/TU ngày 12/11/2018 của Thành ủy Cần Thơ, sự lãnh đạo của Huyện ủy Phong Điền để xây dựng chương trình tổ chức sinh hoạt chuyên đề của chi bộ ngay từ đầu năm.
Ba là, Bí thư Chi bộ, người chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề phải nắm vững Tài liệu dự sinh hoạt chi bộ do Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ phát hành năm 2021, để thực hiện đúng quy trình, cách thức điều hành sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.
Bốn là, định kỳ có tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời uốn nắn những thiếu sót trong việc duy trì và tổ chức sinh hoạt chuyên đề.
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ
Với những kết quả đã đạt được, Chi bộ đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ trong thời gian tới:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đảng viên đối với sinh hoạt chuyên đề. Chi bộ thường xuyên quán triệt chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên nhằm nâng cao nhận thức trong nội bộ về vị trí, vai trò, tác dụng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ. Nội dung sinh hoạt chuyên đề phải cụ thể hóa, gắn với chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, phân công cụ thể, chuẩn bị nội dung chuyên đề thật chu đáo. Hàng quý, trên cơ sở chương trình sinh hoạt chuyên đề năm, Bí thư chi bộ phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên có chức vụ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể phụ trách nhóm từ 02 đến 03 người có năng lực, am hiểu rõ nội dung chuyên đề để xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề. Chi ủy có thể đặt câu hỏi thảo luận (từ 3 đến 5 câu) để nhóm xây dựng chuyên đề cho sát với chủ đề Chi ủy đặt ra.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề. Ngày sinh hoạt chuyên đề, nhóm báo cáo chuyên đề bằng hình thức trình chiếu (file MS.Power Point, Video, hình ảnh tư liệu,…), đảng viên chi bộ dự, xem, nghe thuyết trình.
Thứ tư, phát huy tính dân chủ, tính tự giác học tập trong sinh hoạt chuyên đề. Nhóm xây dựng chuyên đề gởi trước báo cáo cho đảng viên tệp văn bản (file MS. Word) để đảng viên chi bộ nghiên cứu, đặt câu hỏi làm rõ nội dung chuyên đề đối với nhóm báo cáo. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề nếu có phát sinh ý kiến khác nhau, Chi ủy chủ động trao đổi, định hướng thảo luận đối với chi bộ. Cuối buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Chi bộ kết luận những vấn đề trong chuyên đề, Chi bộ ban hành nghị quyết để tập trung lãnh đạo thực hiện.
Thứ năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng, góp ý phê bình. Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư chi bộ, người chủ trì có nhận xét, đánh giá chi tiết, cụ thể những ưu, khuyết điểm của đảng viên (nhóm) được phân công xây dựng chuyên đề. Đồng thời, nghiêm túc nhắc nhở đối với đảng viên thụ động, không tự giác nghiên cứu chuyên đề đề tham gia thảo luận cùng tập thể chi bộ.
Từ những nội dung trên có thể thấy rằng, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhiều nội dung được đảng viên chi bộ thảo luận, bàn bạc sâu, kỹ lưỡng hơn. Từ đó phát huy tính dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên, là điều kiện khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến, tạo bầu không khí sinh hoạt chi bộ thực sự dân chủ, mỗi đảng viên mạnh dạn nêu lên nhận thức của bản thân mình.
Tổ chức tốt sinh hoạt chuyên đề là một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cũng là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Tài liệu tham khảo
1. Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật.
2. Tài liệu dự sinh hoạt Chi bộ, Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, năm 2021.
3. Xuân Minh, Để sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề ngày càng thiết thực và hiệu quả, https://tinhuyquangtri.vn/de-sinh-hoat-chi-bo-theo-chuyen-de-ngay-cang-thiet-thuc-va-hieu-qua, cập nhật ngày 23/3/2022
[1] Xuân Minh, Để sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề ngày càng thiết thực và hiệu quả, https://tinhuyquangtri.vn/de-sinh-hoat-chi-bo-theo-chuyen-de-ngay-cang-thiet-thuc-va-hieu-qua, cập nhật ngày 23/3/2022
[2] Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật, trang 32