Trong xã hội, phụ nữ luôn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi, nhất là sức khỏe, giáo dục, đào tạo, cơ hội có việc làm và các nhu cầu khác; quyền được sống, tự do và an ninh cá nhân, kể cả quyền sống mạnh khỏe của phụ nữ cũng thường xuyên bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau. Trải qua hàng trăm năm đấu tranh, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Đây là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng.
Việt Nam phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1982 và xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Pháp luật Việt Nam luôn thể hiện sự quan tâm và bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ trong đời sống gia đình nên đã sớm đưa vào quy định quyền lợi của người phụ nữ trong bản Hiến pháp năm 1946: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử".
Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Tất cả những hành vi phân biệt đối xử về giới bị nghiêm cấm.
Theo tinh thần hiến định, Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 với mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Cũng như nam giới, phụ nữ có quyền tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam, nữ bình đẳng trong trong cơ hội thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo. Điều 8 khoản 3 Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Khoản 4, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người".
Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh còn tại các cơ sở y tế". Để phụ nữ được bảo đảm thực hiện quyền này, Bộ Y tế có trách nhiệm củng cố, phát triển mạng lưới chuyên khoa phụ sản và sơ sinh đến tận cơ sở để bảo đảm phục vụ y tế cho phụ nữ. Các hành vi nạo phá thai trái phép bị nghiêm cấm.
Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.
Bộ luật Lao động đã dành một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp…
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đảm bảo phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động ...
Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: Người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi … Đồng thời, Bộ luật Hình sự cũng quy định, phạm tội với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các quy định của pháp luật. Từ đó, nghiêm cấm và hạn chế những hành vi xâm hại hoặc làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Đồng thời, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và đời sống xã hội. Đây là tiền đề cho sự phát triển hơn nữa quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và từ đó xây dựng một xã hội bình đẳng giới.