Lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta cũng luôn có tình cảm yêu thương và quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Bác nói rằng: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Trẻ em là độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, rất cần sự cưu mang, đùm bọc, che chở, dạy dỗ của người lớn để hình thành nên những nhân cách tốt đẹp, có ích cho xã hội. Bác đã có rất nhiều những hoạt động nhằm quan tâm, chăm sóc trẻ em. Do đó, chúng ta phải có những tư tưởng kế thừa và phát huy đến việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em.
Đảng và Nhà nước ta thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em, ngày có nhiều hơn những cơ sở chăm sóc, bảo vệ trẻ em cơ nhỡ, lang thang.
Xã hội ngày càng phát triển tiến bộ, đời sống vật chất có điều kiện hơn ở mỗi gia đình nên điều kiện quan tâm chăm sóc trẻ em cũng được nâng cao, trẻ em được yêu thương nhiều hơn, được quan tâm chăm sóc đầy đủ hơn từ vật chất đến tinh thần, được học hành đầy đủ. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn trẻ em phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, trẻ em vẫn bị đói rét, bị bỏ rơi phải sống lang thang và chưa được đến trường, bị lạm dụng lao động, bị xâm hại tình dục thậm chí là bị giết hại. Thời gian gần đây trong nước xảy ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại, lợi dụng lao động, mua bán trẻ em. Đau lòng hơn hết là những người bạo hành, xâm hại trẻ em có thể là những người thân của trẻ em. Do đó cần lắm những biện pháp bảo vệ.
Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em như: Điều 37 Hiếp pháp 2013 có quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật trẻ em năm 2016 cũng quy định đầy đủ, cụ thể về về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Ngoài luật trẻ em thì còn có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm đảm bảo việc bảo vệ trẻ em như các Nghị định, thông tư, chỉ thị.... Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm cả nước có các hoạt động thiết thực nâng tầm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em. Đây là những hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện tốt, những quy định pháp luật về trẻ em được thực thi đúng với ý nghĩa ươm mầm tương lai cho nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta cần chung tay để có những biện pháp thiết thực giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống đối với trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo hành, ngược đãi hay bị xâm hại, chống lại nạn buôn bán trẻ em:
Thứ nhất, mỗi gia đình nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em được học tập, phát triển tri thức, cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ em nhằm chống lại sự lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, chống lại sự xâm hại. Mỗi gia đình là một hạt nhân của xã hội, nên nếu trẻ em của mỗi gia đình đều được thương yêu, bảo vệ, được học hành và phát triển tốt thì tất cả trẻ em trong xã hội sẽ được phát triển và bảo vệ tốt.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành cơ quan trung ương và có sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Giáo dục, tuyên truyền cũng như có những biện pháp thiết thực, quan tâm sâu sát đến trẻ em, đến các quyền trẻ em để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện có hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị mua bán, xâm hại; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.
Thứ tư, cần những biện pháp quan tâm hơn nữa tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em sống trong vùng kém phát triển, điều kiện sống khó khăn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Mỗi địa phương cần theo dõi sâu sát đối với tất cả các trẻ em gặp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, vì khi đảm bảo được tất cả các trẻ em trong nước đều được đến trường là tiền để cho sự quan tâm của xã hội và sự đảm bảo phát triển của trẻ em.
Thứ năm, đối với những hành vi mua bán trẻ em; bạo hành trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm và có hình phạt thích đáng, đúng quy định pháp luật nhằm răn đe đối với loại tội phạm này.
Tất cả trẻ em đều có quyền được sống, được yêu thương, bảo vệ. Với sự quan tâm của người lớn, của xã hội mong rằng trẻ em trong tương lai sẽ được yêu thương và phát triển toàn diện về mọi mặt xứng đáng là thế hệ tương lai tốt đẹp của ngày mai. /.