Từ thực tế thời gian vừa qua cho thấy, tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng, trì hoãn đến quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và kể cả việc xét xử nhiều vụ án. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể về thời hạn để giải quyết một vụ án đều có giới hạn. Tuy nhiên, không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Cơ quan tiến hành tố tụng không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án…cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn, ngày 12/11/2021 Quốc hội đã thông qua Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021, theo đó tại khoản 2 Điều 1 quy định: Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau: “c) Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh….” và tại khoản 5 Điều 1 quy định: Bổ sung điểm d vào sau Điểm c khoản 1 Điều 229 như sau: “d) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra…...”. Khoản 6 Điều 1 quy định: Bổ sung điểm d vào sau Điểm c khoản 1 Điều 247 như sau:“d) Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố” .
Ngày 29/11/2021 Liên ngành tư pháp Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNN-BTC, quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó Thông tư quy định các nguyên tắc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, quy định cụ thể, rõ ràng, những trường hợp được coi là “nguyên nhân bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, đồng thời quy định cụ thể các trường hợp được tạm đình chỉ do thiên tai, dịch bệnh và việc phối hợp quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ nêu trên.
Tuy nhiên, trong Luật sửa đổi và Thông tư liên tịch 01/2021 chỉ quy định biện pháp tạm đình chỉ trong giai đoạn tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, không quy định trong giai đoạn xét xử được tạm đình chỉ những trường hợp nêu trên; Mặc dù quy định trên còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân vì đây là những giai đoạn đầu của tố tụng, việc thu thập chứng cứ thường là phải đi trực tiếp tại thực địa nên khi áp dụng giãn cách xã hội hoặc ảnh hưởng của thiên tai mà hết thời hạn vẫn không cho phép được tạm đình chỉ thì cũng không thể tiến hành được. Do đó, quy định áp dụng tạm đình chỉ trong các giai đoạn xác minh, điều tra, truy tố này là phù hợp. Riêng đối với giai đoạn xét xử thì tòa án hiện nay đang nghiên cứu phương án cho xét xử trực tuyến, do đó sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong các trường hợp bất khả kháng nêu trên. Ngoài ra, nếu như tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử sẽ phải tiếp tục kéo dài thời hạn, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt tạm đình chỉ xét xử các trường hợp nêu trên thì không chỉ trong tố tụng hình sự mà cả tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cũng phải sửa đổi các quy định liên quan theo hướng phù hợp, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh.
Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” trong Bộ luật tố tụng hình sự mặc dù mang tính chất dự phòng, nhưng sẽ tạo cơ sở pháp lý giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi vì khi không thể tiến hành được các hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc thì có căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Dẫn lời của Viện Trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí từng phát biểu: “Cần hiểu biện pháp tạm đình chỉ trong trường hợp này là biện pháp cuối cùng, một biện pháp kỹ thuật mà cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm vì lý do thiên tai, dịch bệnh chứ không phải là không làm”.“Trong tình huống dịch bệnh mà theo luật hiện hành thì chúng ta phải dừng hết các biện pháp tố tụng khác, phải thả hàng loạt đối tượng mà trong đó sẽ có nhiều người có thể tội phạm đặc biệt nguy hiểm như ma tuý, cướp, giết người, gây bất an, mất an toàn đối với xã hội. Và chắc chắn rằng, đa số nhân dân chúng ta sẽ không yên tâm”.
Do đó, mặc dù Luật đã quy định, nhưng khi áp dụng các căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định và tránh lạm dụng để không gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, vụ án khi được phục hồi.