Một số vụ án gần đây nhất được Viện kiểm sát nhân dân huyện thụ lý, giải quyết, như: Vụ thứ nhất: Đối tượng Phạm Hoài Phong Anh - sinh năm 1999 và C.T.K.N - sinh ngày 12/5/2003, cùng đăng ký thường trú tại ấp Thạnh Quới 2, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ do có quen biết với nhau qua mạng xã hội Bigo, Zalo từ trước nên vào khoảng cuối tháng 09/2018 thường xuyên nhắn tin, liên lạc gặp nhau, sau đó cả hai đã nảy sinh tình cảm yêu thương và quan hệ tình dục với nhau nhiều lần tại phòng ngủ trong nhà của N. Đến ngày 23/10/2018, mẹ của N là bà Phạm Thị Út phát hiện nên trình báo sự việc đến Cơ quan Công an xã Thạnh Lộc. Vụ án đã được đưa ra xét xử với mức án 05 năm tù giam cho bị cáo Phong Anh.
Vụ thứ hai: Nguyễn Thành Giang - sinh năm 1997 thường trú: ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, có quen biết với bị hại T.V - sinh ngày 02/11/2004, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang qua mạng xã hội Zalo, Bigo và nảy sinh tình cảm yêu đương. Ngày 03/01/2019 Giang và T.V điện thoại hẹn gặp mặt nhau tại chợ Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, sau đó Giang chở T.V về nhà mình để quan hệ tình dục với T.V. Đến ngày 05/01/2019 thì Dì của bị hại phát hiện và tố cáo với lực lượng chức năng. Kết thúc vụ án, Tòa tuyên bị cáo Giang mức án 03 năm 06 tháng tù giam.
Vụ thứ ba: Trần Ngọc Quyên - sinh ngày 20/01/1996, thường trú: ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh thông qua mạng xã hội zalo có quen biết em N.T.M.N - sinh ngày 10/11/2003 (ngụ cùng địa phương). Trong thời gian quen biết từ tháng 11/2018 đến ngày 14/02/2019, Quyên đã 02 lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục với em N. Ngày 21/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Vĩnh Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Quyên về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Vụ án đang được tiến hành điều tra theo quy định.
Có thể nói, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có thể kể đến một số nguyên nhân như:
Thứ nhất, việc sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, … để làm quen rồi rủ đi chơi; lợi dụng sự ngây thơ của các cháu gái để dụ dỗ yêu đương và thực hiện hành vi giao cấu trẻ em; bị hại thường không được gia đình quan tâm chăm sóc, quản lý, giám sát, giáo dục chặt chẽ, dễ dàng kết bạn với các đối tượng xấu, bị hại thường không được trang bị kiến thức về kỹ năng sống để có thể tự phòng ngừa bảo vệ mình trước sự xâm hại, do sự phát triển chung của xã hội kéo theo sự xâm nhập của nhiều tệ nạn khác; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin còn chưa sát sao; sự gia tăng của mạng xã hội và Internet làm xuất hiện nhiều thông tin độc hại, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của các cháu.
Thứ hai, tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên sống buông thả, suy đồi, xuống cấp về đạo đức, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác dẫn đến mất kiểm soát lý trí, từ đó dễ sa ngã vào con đường phạm tội; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục giới tính của nhà trường cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa được chú trọng đúng mức nên chưa trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sống để có thể tự phòng ngừa bảo vệ mình trước sự xâm hại của tội phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, có lúc, có nơi còn thực hiện mang tính hình thức, chạy theo phong trào; chưa đi sâu xuống từng địa bàn, từng khu dân cư nên hiệu quả chưa cao. Sự kết hợp quản lý giáo dục giữa gia đình – nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trẻ em chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh việc bị xâm hại tình dục.
Đây là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Các nạn nhân trong các vụ án này đều ở độ tuổi dưới 16 tuổi. Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của các cháu bé để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Do đó, trong thời gian tới cần có những biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh nói riêng như:
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Tập trung tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức pháp luật cũng như kiến thức về giới tính cho trẻ em; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục cho các em kiến thức về giới tính để các em tự bảo vệ mình trước những hành vi dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu. Khi bị xâm hại, bị hại và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết tránh để lọt tội phạm. Mỗi gia đình và nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho các em; phổ biến những kiến thức về giới tính một cách khéo léo, lành mạnh; góp phần phòng chống việc xâm hại trẻ em trong cuộc sống. Các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị xâm hại, triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nếu có tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em. Lực lượng Công an cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao năng lực điều tra của đội ngũ điều tra viên, công an xã về quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện đặc biệt là các nhà nghỉ, quán Karaoke, quán Internet… Thường xuyên thành lập các đoàn Thanh tra liên ngành để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hoạt động văn hóa không lành mạnh.