Trao đổi bên lề họp báo Chính phủ tối 2/6, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết bộ đã nắm thông tin vụ việc "Phụ huynh rao bán suất chạy trường, cô giáo ra giá 15 triệu đồng". Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội có báo cáo, sau khi làm việc với nhà trường.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo địa phương ngay từ đầu năm học, với tinh thần răn đe và cảnh báo về hiện tượng chạy trường, lớp.
Nếu phát hiện chạy trường, lớp, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu xử lý nghiêm, dựa trên mức độ vi phạm cụ thể.
Bộ trưởng GD&ĐT: Người thân nhờ xin học, tôi cũng không làm được
Trước đó, trả lời Zing.vn bên lề hành lang Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đầu năm học mới, bộ luôn có chỉ thị về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hiện tượng chạy trường, lớp.
Bộ trưởng nói ông có nghe về hiện tượng chạy trường, lớp nhưng trường hợp cụ thể thì cần phải điều tra.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng tâm lý của nhiều phụ huynh là đợi đến năm đẹp sinh con (năm nay là tuyển sinh đầu cấp của lứa "rồng vàng" sinh năm Nhâm Thìn, 2012, vào lớp 1; Đinh Hợi, "lợn vàng", 2007 vào lớp 6 và Quý Mùi, "dê vàng", 2003 vào lớp 10 - PV).
Mùa tuyển sinh này, học sinh tăng lên nhiều, số vào lớp 10 rất đông, trong khi trường lớp không tăng kịp. Bên cạnh đó, học sinh ngoại ô cũng muốn vào học trường trong thành phố. Nhu cầu nhiều, khả năng cung cấp trường lớp hạn chế, phải có hình thức để xét. Việc xét hồ sơ dễ xảy ra tiêu cực nên phải có sự sàng lọc để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Với thi cử, ông Nhạ cho rằng "cũng phải nhìn từ yếu tố khác". Nhiều phụ huynh muốn con vào trường công tốt nên ép học, ôn thi. Không phải cứ vào trường công tốt nhất là phương án một, mà còn nhiều trường khác nữa.
Trước câu hỏi về việc bộ trưởng có nhận được đề nghị của người thân nhờ xin học cho con cháu, ông Phùng Xuân Nhạ trả lời việc tuyển sinh đầu cấp rất nghiêm túc nên "nhờ cũng chẳng được, mình không làm điều đó, vì đẩy cho trường khó khăn".
"Tôi nghĩ ở đâu đó có nhưng cụ thể phải để kiểm tra", ông Nhạ nói.
Suất học ưu tiên và ngoại giao - kẽ hở chạy trường?
Hiện tượng phụ huynh chạy trường cho con không phải chuyện hiếm gặp, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, phụ huynh còn công khai bán, nhượng lại suất trên mạng.
Trong vai phụ huynh xin học cho con, phóng viên dễ dàng kết nối kết hai phụ huynh có nhu cầu "sang tên đổi chủ" suất học ở trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) và Tiểu học Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những người này cho biết khó khăn lắm mới mua được suất nhưng vì lý do chuyển nhà nên muốn nhượng lại với giá 15 triệu và 22 triệu đồng.
Sau khi được phụ huynh rao bán suất trên mạng giới thiệu, cô giáo trường Trung Tự ra giá 15 triệu đồng cho suất học vào trường.
Mặc dù phủ nhận bán suất chạy trường vì năm nay chưa có tuyển sinh vào lớp 1, bà Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự - thừa nhận sau khi được giao chỉ tiêu, trường tuyển sinh đúng tuyến theo quy định. Nếu còn chỉ tiêu, trường sẽ ưu tiên con, cháu của giáo viên. Một số thầy cô được phát đơn cho suất học ưu tiên này.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường không kiểm soát được việc giáo viên có dùng suất học ưu tiên của mình đúng quy định hay bán ra ngoài cho người khác.
Một hiệu trưởng trường tiểu học có tiếng ở TP.HCM khẳng định các trường luôn có suất tuyển trái tuyến theo quy định. Thông thường, trường tuyển đủ đúng tuyến, nếu còn chỉ tiêu sẽ lấy trái tuyến. Các suất trái tuyến thường được để dành cho quan hệ ngoại giao. Thế nhưng, nhà trường không thể kiểm soát được những suất ngoại giao đó có "chính chủ" hay không, hay bị mua đi bán lại.
Theo nhận định của một số chuyên gia giáo dục, tình trạng không kiểm soát được "suất ngoại giao" như trên diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Đây cũng chính là một trong những kẻ hở cho việc chạy trường.
Chạy trường là tham nhũng, thất bại của quản lý giáo dục
Đề cập vấn nạn chạy trường mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ở các thành phố lớn, đặc biệt "những năm vàng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho rằng câu chuyện này đã được nhắc đi nhắc lại trong thời gian rất dài nhưng các cấp quản lý vẫn không thể giải quyết triệt để. Đây là biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục.
“Một xã hội mà phụ huynh phải mất hàng nghìn USD để con được học trường tốt là không thể chấp nhận được. Chạy trường là một dạng tiêu cực, tham ô trong giáo dục”, nguyên thứ trưởng bức xúc nói.
Nếu tất cả đều minh bạch, từ thầy cô, hiệu trưởng, các cấp quản lý, không ai dám dùng tiền hối lộ, đổi lấy suất học cho con.
"Rõ ràng có những người nhận tiền, đút túi làm của riêng, phụ huynh mới làm những việc như vậy... Sở dĩ vấn nạn chạy trường tiếp diễn là bởi có người vẫn muốn kiếm chác từ suy nghĩ lệch lạc, sai trái của nhiều phụ huynh”, ông Nhĩ nêu quan điểm.
Từ đó, nguyên thứ trưởng GD&ĐT cho rằng "thượng bất chính, hạ tắc loạn”, lãnh đạo của ngành nghiêm khắc, minh bạch thì những cấp nhỏ hơn sẽ không bao giờ dám tiêu cực, tham nhũng, trong đó có chạy trường.
Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, chạy trường xuất phát từ thực tế khách quan, khó kiểm soát. Vấn nạn này không chỉ xuất phát từ sự yếu kém trong công tác quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục, mà còn cả phía phụ huynh.
Ông cho rằng vấn đề ở đây là chất lượng của các trường không đồng đều. Có trường dạy tốt, trường dạy trung bình, kém, nhất là ở các thành phố và vùng đồng bằng. Hơn nữa, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay đã khác trước nhiều. Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc.
"Người giàu sẵn sàng bỏ tiền để con mình được học ở trường tốt. Cầu lớn, cung nhỏ dẫn đến chạy trường”, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phân tích.
Vì thế, theo ông, câu chuyện chạy suất vào trường điểm, trường VIP đã tồn tại âm thầm bao năm qua và không thể giải quyết ngay.