* Ám ảnh “fake news”
Với mức độ dày đặc của các tin đồn nhảm như: Những phương pháp trị bệnh phản khoa học, bắt cóc trẻ em, tin tức chính trị, những câu chuyện mang tính kích động, v.v… luôn là những chủ đề mà những người tung “fake news” trên mạng xã hội hướng đến nhằm thu hút người xem, đánh vào cảm xúc bồng bột của những người “nhẹ dạ cả tin” để dẫn dắt dư luận. Phía sau mỗi “fake news” luôn có chủ đích riêng của những đối tượng xấu mà người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo để loại bỏ nó ra khỏi đời sống của chúng ta.
Việc nhận ra “fake news” ngày nay cũng không dễ dàng gì khi mà đối tượng thực hiện luôn “biến hóa” với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Tác hại của nó thì đã thấy rất rõ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng nói chung và địa phương mà “fake news” hướng đến.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vào những tháng đầu tiên của năm 2016, tại Cần Thơ liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt về bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng tại các quận, huyện vùng ven. Đáng chú ý là trường hợp facebook có tên “Vân Ngô” sau khi tung tin thất thiệt đã có trên 1,5 ngàn lượt share (chia sẻ) gây hoang mang dư luận. Qua điều tra, xác minh, Công an thành phố Cần Thơ đã xác định được đối tượng tung tin thất thiệt và đã xử lý theo quy định [1].
Là một nạn nhân của tin đồn thất thiệt, anh Trịnh Mạnh Hải (Thái Nguyên) đã thoát chết trong gang tấc khi vô cớ bị nhiều người đuổi đánh và đốt trụi hoàn toàn chiếc xe ôtô khi anh đang cùng một người bạn đi về nhà vợ anh Hải chơi ở xã Tân Việt, Thanh Hà, Hải Dương. Vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng làm rõ và đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng vì có hành vi kích động, gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Cũng vì sự bồng bột, cả tin vào những tin đồn thất thiệt mà 03 đối tượng nêu trên đã vướng vào vòng lao lý, trong khi kẻ tạo ra “fake news” thì mãi ẩn danh! [2].
Gần đây nhất, nhiều bệnh nhân tiểu đường suýt mất mạng, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khi uống thuốc hạ đường huyết gia truyền của vợ chồng bà Lâm Kim Xuyến (quận Ô Môn). Đáng chú ý trước đó, trên mạng xã hội facebook đã lan truyền một loại “thần dược” có thể điều trị được bệnh tiểu đường, từ khi tin tức về “thuốc hay” xuất hiện, đã có rất nhiều người tìm đến bà Xuyến để hỏi mua và hậu quả đã thấy. Ngay sau khi sự vụ xảy ra, ngành chức năng đã lập đoàn kiểm tra tịch thu hơn 330.000 viên đông dược không rõ nguồn gốc nêu trên. Hiện vụ việc đang được điều tra để xử lý theo quy định [3].
* Một số cách nhận diện “Fake news”
Không cần quá giỏi công nghệ, người dùng internet vẫn có thể nhận ra được “fake news” theo một số cách sau đây:
1. Xác định trang tin chính thống: Khi vào một trang web bất kỳ, chúng ta cần tìm đến mục địa chỉ liên lạc của trang web để xác định cơ quan chủ quản. Nếu trang web nào không thể hiện cơ quan chủ quản, không ghi thông tin địa chỉ liên hệ cụ thể hoặc giấy phép xuất bản của cơ quan có thẩm quyền thì khả năng rất cao là trang “fake news”. Đặc biệt, những trang này không bao giờ có phần mở rộng là “.vn” mà thường là “.com”, “.tv”, “.net”,…[4].
2. Xác định nguồn gốc hình ảnh để tránh việc ảnh bị “chế biến” thành “fake news”: Khi cần kiểm tra 01 ảnh nghi ngờ nào đó thì người dùng chỉ cần save ảnh (lưu hình ảnh) về máy tính, sau đó kéo và thả ảnh cần truy nguyên nguồn gốc vào thanh tìm kiếm hình ảnh của google là sẽ ra “thông tin lý lịch” (ảnh gốc) của ảnh ngay lập tức.
3. Xác định “fake news” khi nhìn vào thông tin hiện thị của link trên facebook: Những “fake news” này sẽ chỉ xuất hiện tên trang web và thường thì không hiển thị phần mở rộng (khả năng kèm theo virus rất cao) hoặc hiển thị phần mở rộng “khác lạ”, ít gặp. Ngày nay dạng “fake news” này rất nhiều và thường nhận được rất nhiều like và share từ cộng đồng mạng bởi tính “hấp dẫn”, “giật gân” của nó tạo ra.
4. Xác định facebook chính chủ: Thật đơn giản để tạo ra 01 facebook và như vậy cũng có nghĩa là bất kể ai cũng có thể mạo danh một người nào đó trong thế giới ảo. Để xác định facebook chính chủ ngoài việc thông qua mối liên hệ cá nhân để xác định đúng chủ nhân, thì facebook cũng cho phép bạn biết được người đó có “chính chủ” hay không thông qua dấu tích màu xanh nằm bên cạnh tên của chủ nhân facebook. Đương nhiên, không phải ai cũng có thể có được dấu tích màu xanh chính chủ này, điều kiện để được facebook xác nhận chính chủ căn cứ vào “độ nổi tiếng” của chủ nhân trong thế giới ảo kèm theo quá trình xác minh nhân thân do facebook yêu cầu.
Thực tế còn có rất nhiều cách khác nữa để nhận diện “fake news” để loại bỏ nó trong thế giới mạng. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp được ít nhiều cho chúng ta lướt web an toàn, tham gia mạng xã hội một cách có trách nhiệm và không để kẻ xấu lợi dụng cho mục đích nào đó của họ.
Chú thích nguồn tham khảo:
[1]: https://thanhnien.vn/thoi-su/cong-an-can-tho-xu-ly-tin-don-tren-facebook-ve-bat-coc-mo-lay-noi-tang-692286.html
[2]: https://tuoitre.vn/khoi-to-3-nguoi-kich-dong-dot-oto-giam-doc-vi-nghi-thoi-mien-1366219.htm
[3]: http://baocantho.com.vn/benh-nhan-tieu-duong-suyt-chet-vi-tin-than-duoc--a95691.html
[4]: https://congnghe.tuoitre.vn/tran-lan-web-mao-danh-lanh-dao-455316.htm