Theo nội dung khởi kiện, nguồn gốc đất là của ông nội các đương sự khai phá, để lại cho cha các đương sự là ông H, đến năm 1988 ông H đi kê khai quyền sử dụng đất theo chính sách đất đai năm 1989, nhưng ông H không ghi tên ông mà ghi tên ông Cao Văn Th trên sổ mục kê, sổ ruộng đất tại các thửa 1027 diện tích là 1.450m2, thửa 1345 diện tích là 1.408 m2, thửa 1239 diện tích là 1.275 m2 đều là loại đất Hg (đất hoang); thửa 1028 diện tích là 2.193 m2 loại đất lúa, thửa 1029 diện tích là 2.340 m2 loại đất ONT, thửa 1012 diện tích là 11.000 m2 loại đất lúa. Kể từ khi được Nhà nước ghi tên trên sổ mục kê và sổ ruộng đất đến nay nguyên đơn không sử dụng mà thực tế là các bị đơn sử dụng ổn định trên 30 năm và hiện trạng đất cũng đã thay đổi so với thời điểm khai phá. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu các bị đơn trả lại đất vì nguyên đơn là người đứng tên trên sổ mục kê, sổ ruộng đất năm 1989, các bị đơn có đơn phản tố yêu cầu công nhận phần đất tranh chấp vì đã sử dụng ngay tình, ổn định trên 30 năm.
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại một phần đất tại các thửa đất số 1012, 1345 với tổng diện tích 3.796,6m2. Không đồng ý với bản án sơ thẩm bị đơn kháng cáo yêu cầu bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn, công nhận phần đất cho bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã phân tích, nhận định nguyên đơn được đứng tên vào sổ mục kê và sổ ruộng đất từ năm 1989 nhưng thực tế nguyên đơn không sử dụng đất ngày nào mà từ năm 1990 đã đến nông trường Sông Hậu sinh sống, phần đất này ông H là cha của nguyên đơn là ông H cho các bị đơn sử dụng và canh tác đến nay. Cấp sơ thẩm cho rằng vào những năm 1990 ông H kê khai phần đất trên cho ông nguyên đơn Cao Văn Th đứng tên, nhưng thực tế ông Th không sử dụng và xác định Sổ mục kê ruộng đất không phải là một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định Điều 100 Luật đất đai năm 2013 nhưng công nhận cho ông Th phần đất tại thửa đất số 1012, 1345 có tổng diện tích 3.369,6m2 là chưa đúng theo quy định. Bởi lẽ, căn cứ theo Điều 18 Nghị định số 43/NĐ- CP ngày 15/5/2014 quy định Sổ mục kê ruộng đất lập trước ngày 18/12/1980 là một trong các loại giấy tờ làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên việc cấp sơ thẩm xác định Sổ mục kê không phải là một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là chưa đúng. Đối với phần đất mà cấp sơ thẩm công nhận cho ông Th tại thửa 1012, 1345 có tổng diện tích 3.769,6m2 là chưa phù hợp với Báo cáo số 56 ngày 19/11/2013 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Th xác nhận: “Phần đất ông Th tranh chấp có diện tích gần 20.000m2 gồm đất ruộng, vườn, thổ cư và đất hoang là của ông Cao Văn H khai phá từ những năm 1975, sau đó cho lại con cháu sử dụng. Qua kết quả xác minh ông Cao Văn Th không có quá trình sử dụng mà chỉ có công bồi đắp lung tại thửa 1345. Việc ông Th đứng tên vào sổ mục kê là do ông H đứng ra kê khai dùm chứ thực tế lúc bấy giờ các anh em ông đều sử dụng”. Điều này thể hiện thực tế ông Th không có quá trình sử dụng đất mà chỉ đứng tên trên sổ mục kê do cha ông kê khai. Do đó, căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 71 Luật đất đai năm 2003 quy định “Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân các cấp đã hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thương lượng điều chỉnh đất cho nhau trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai trước ngày 15/10/1993 đến nay đã sử dụng ổn định thì tiếp tục sử dụng” và Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào ngày 05/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng, ổn định, lâu dài và được cấp giấy nhưng phía người được cấp đất không có ý kiến gì, nay ông Th đòi lại đất là không có cơ sở chấp nhận.
Từ những phân tích như trên Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ quan điểm của Kiểm sát viên, chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn, công nhận phần đất tranh chấp là của các bị đơn./.