Tại điểm cầu trực tuyến VKSND TP. Cần Thơ có sự tham dự của Ban lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng và tương đương, công chức làm công tác công nghệ thông tin; tại điểm cầu quận, huyện có sự tham dự của lãnh đạo và công chức làm công nghệ thông tin tại 09 VKSND cấp huyện trực thuộc VKSND TP. Cần Thơ.
Trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe đồng chí Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục 2, VKSND tối cao triển khai nội dung Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/202 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; đồng chí Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục 2 phổ biến về Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của VKSND. Đồng thời, Hội nghị cũng nghe đồng chí Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục 2 trình bày Báo cáo tóm tắt về thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Báo cáo đã nêu lên 2 nội dung chính: Phần thứ nhất là Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân và Phần thứ hai là Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, khoảng 10 năm trở lại đây, VKSND tối cao đã xây dựng, phát triển gần 20 phần mềm dùng chung cho toàn Ngành và phần lớn đã phát huy hiệu quả trong thực tế sử dụng, góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, từng bước số hóa, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động nghiệp vụ, nhất là về cập nhật, cung cấp số liệu thống kê, báo cáo, phát hành, luân chuyển văn bản trên hệ thống,…Về nhân sự, tính đến 30/6/2021, toàn ngành có 256 cán bộ trực tiếp chuyên trách làm công tác công nghệ thông tin. Về cơ sở vật chất : Ở VKSND tối cao cơ bản bảo đảm; ở các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, hầu hết chưa bảo đảm về phòng đặt máy, an toàn điện, điều hòa, đường truyền; ở VKSND cấp huyện chưa có phòng riêng đặt máy. Phần lớn các đơn vị (trừ Cơ quan điều tra VKSND tối cao) chưa có phòng hỏi cung để lắp đặt thiết bị ghi hình có âm thanh. Trang thiết bị, máy móc thì phần lớn ở các đơn vị, nhất là ở VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện máy móc thiết bị phần lớn đã cũ, hết khấu hao, hoạt động thiếu ổn định; chưa quan tâm đúng mức việc bảo trì, bảo dưỡng, đầu tư sửa chữa, thay thế và bổ sung mới. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới là tạo ra được một kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, khoa học, được số hóa, hệ thống hóa, quản lý tập trung thống nhất, có thể chia sẻ theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Qua 01 buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại hai cấp đã được lắng nghe tham luận về định hướng chuyển đổi số quốc gia của đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông từ đại diện lãnh đạo 04 đơn vị trong Ngành, như: VKSND TP. Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh, VKSND quận Kiến An - TP. Hải Phòng, VKSND tỉnh Tiền Giang, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Các tham luận tập trung giới thiệu những cách làm hay, sáng kiến trong ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phân tích những ưu điểm, hạn chế và nêu ra kiến nghị đề xuất về việc tăng cường ứng dụng Công nghê thông tin trong toàn Ngành kiểm sát nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục quán triệt nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/202 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; liên tục, đổi mới, đa dạng các hình thức ứng dụng kỹ thuật số vào thực tiễn công tác chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị. Qua đó, từng bước nâng cao chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin trong toàn Ngành, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.