Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/2/1930 là một giấu mốc lớn, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Các cao trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939 ở Cần Thơ diễn ra sôi nổi vào rộng khắp từng bước nâng cao lãnh đạo của Đảng. Từ năm 1941 đến đầu năm 1945, các tổ chức các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng nhân dân ở Cần Thơ nhất là ở thị xã được nhanh chóng khôi phục và hoạt động mạnh mẽ chống lại sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Các cuộc đấu tranh bước đầu giành được thắng lợi cơ bản, đánh dấu sự trưởng thành của các phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát - xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, quân Pháp ở Cần Thơ hoang mang tìm đường trốn chạy về Rạch Gòi, Bảy Ngàn, Long Mỹ… Quân Nhật lấy thị xã Cần Thơ làm nơi đóng cơ quan đầu não ở miền Tây, chiếm Trường Collège de Can Tho làm nơi đóng quân. Huỳnh Khai (thông ngôn cho Nhật) tự đứng ra nắm chính quyền, cai quản thị xã Cần Thơ, chiếm đoạt tài sản của thực dân Pháp bỏ lại, cướp giựt tiền, tài sản của các hiệu buôn, tiệm vàng, tiệm cầm đồ… Đốc phủ sứ Lưu Văn Tào được chỉ định tiếp tục làm Tỉnh trưởng, bác sĩ Lê Văn Hoạch làm Cảnh sát Trưởng. Đời sống của người dân vô cùng khốn khổ bởi chính sách vơ vét, thu mua lúa, gạo của phát - xít Nhật, nông dân thiếu đói, dịch bệnh tràn lan...
Ngày 20- 3- 1945, đồng chí Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây mở hội nghị kêu gọi nhân sĩ, trí thức Tây Đô tham gia vào Mặt trận đoàn kết dân tộc chống phát - xít Nhật - thực dân Pháp. Các nhân sĩ đã nhất trí chương trình của Mặt trận Việt Minh và bày tỏ mong muốn tham gia đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đầu tháng 4-1945, tại rạch Cái Muồng, làng Thường Phước, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Văn Tây, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập Hội nghị thành lập Liên Tỉnh ủy miền Tây. Đồng chí Nguyễn Văn Tây được bầu làm Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây; đồng chí Trần Ngọc Quế, Ủy viên Liên Tỉnh ủy miền Tây, phụ trách tỉnh Cần Thơ.
Tháng 6-1945, đồng chí Trần Ngọc Quế quyết định triệu tập Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ, nhận định tình hình và đề ra nhiệm vụ tập hợp rộng rãi các tầng lớp quần chúng, nông dân, công nhân, tiểu tư sản… Đồng chí Trần Ngọc Quế được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Trần Văn Hoài, Nguyễn Tấn Khương, Lưu Kim Phong, Nguyễn Văn Chức… phụ trách xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng ở nội ô thị xã Cần Thơ và các quận.
Tổ chức “Thanh niên Tiền phong” tại Cần Thơ do đồng chí Trần Văn Khéo làm thủ lĩnh, lực lượng phát triển nhanh, đến tháng 6-1945, toàn tỉnh có trên 70.000 đoàn viên. Lực lượng quân sự khẩn trương luyện tập võ nghệ, đồng chí Huỳnh Phan Hộ và Trần Văn Hoài tổ chức lực lượng vũ trang ở các quận, tổ chức “Xung phong đội” trang bị vũ khí làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong thị xã.
Đầu tháng 8-1945, sau khi Hồng quân Liên Xô đánh bại hoàn toàn đội quân Quan Đông của phát - xít Nhật, quân Nhật ở Đông Dương hoàn toàn mất tinh thần, chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang tan rã, khí thế cách mạng của nhân dân cả nước tăng cao.
Sau hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua lệnh tổng khởi nghĩa. Đến ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bàn kế hoạch khởi nghĩa trong toàn tỉnh.
Sau khi Nhân dân Thủ đô Hà Nội giành chính quyền ngày 19-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ gấp rút triệu tập Hội nghị thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng, đồng chí Trần Ngọc Quế được bầu làm Chủ tịch, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 22-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bàn kế hoạch khởi nghĩa trong toàn tỉnh, cử các đồng chí Hồ Bá Phúc, Trần Văn Khéo, Nguyễn Văn Chức và Tú tài Thiều đi tham gia khởi nghĩa ở Sài Gòn để rút kinh nghiệm và về vận dụng vào tình hình thực tế của tỉnh Cần Thơ.
Khởi nghĩa giành chính quyền
Thời cơ tiến hành khởi nghĩa đến khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Sài Gòn thắng lợi, Tỉnh ủy Cần Thơ triệu tập cuộc họp bất thường, cử phái đoàn gồm các đồng chí Trần Ngọc Quế, Nguyễn Thượng Tư và trí thức yêu nước Huỳnh Cẩm Chương đến thông báo cho Sato (Chỉ huy Sở Hiến binh của Nhật) biết vào sáng ngày 26-8-1945, tại thị xã Cần Thơ sẽ diễn ra cuộc mít tinh lớn. Sato phải chấp nhận những đề nghị của phái đoàn, Tỉnh ủy quyết định dùng sức mạnh quần chúng áp đảo, biến cuộc mít tinh thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Cần Thơ và các địa phương khác trong tỉnh.
Sáng ngày 26 - 8- 1945, khí thế tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Cần Thơ dâng cao, trên 20.000 đồng bào của thị xã và các quận Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp tề tựu tại Sân banh Cần Thơ, xếp thành từng đoàn với băng cờ khẩu hiệu giương cao “Chính quyền về tay nhân dân !”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm !”.
Đúng 6 giờ sáng, trên lễ đài, đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh đọc lời kêu gọi đồng bào hãy một lòng đoàn kết, giành lấy chính quyền.
Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng hoan hô vang dậy. Quần chúng được tổ chức từng khối, có lực lượng tự vệ vũ trang và “Xung phong đội” hỗ trợ xuống đường biểu tình, kéo đi khắp các ngả đường trong thị xã biểu dương lực lượng, sau đó tập trung tại Dinh xã Tây.
Trước khí thế quật khởi khởi nghĩa vũ trang của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào chấp nhận giao chính quyền cho đại diện của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, giải tán chính quyền bù nhìn trong toàn tỉnh và xin làm công dân của nước Việt Nam độc lập. Đồng chí Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh long trọng tuyên bố:
- Chính quyền đã về tay nhân dân.
- Bãi bỏ các thứ thuế vô lý do phát - xít Nhật và thực dân Pháp đặt ra.
- Trả tự do cho tù chính trị.
- Bảo vệ tài sản của nhân dân.
- Tịch thu toàn bộ tài sản của thực dân Pháp.
Đồng chí kêu gọi toàn thể đồng bào hãy đoàn kết cùng với chính quyền cách mạng để giữ gìn độc lập của Tổ quốc. Các đồng chí trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng chia nhau đi tiếp quản các cơ quan hành chính, kinh tế, văn hóa, ngân hàng, kho bạc… ở thị xã.
Trong hai ngày 26 và 27 tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân Cần Thơ, các quận, làng trong tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân và lập chính quyền cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Đảng bộ và Nhân dân Cần Thơ là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1929 - 1945 trong tỉnh. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân Cần Thơ cùng Nhân dân cả nước tạo nên một sức mạnh mới, sức mạnh đoàn kết toàn dân, kiên quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Chiến thắng vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn của tinh thần đoàn kết, kiên cường chiến đấu vì sự tồn vong của quê hương và là bài học quý báu cho những chặng đường cách mạng tiếp theo của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ.