Thứ nhất, trong hồ sơ thi hành án thiếu chứng từ, tài liệu,... hoặc Chấp hành viên chưa tác nghiệp, đây không phải là khó khăn, vướng mắc vì trong công tác kiểm sát việc thi hành án, chức năng chúng ta là kiểm sát chứ không phải trực tiếp thực hiện công tác thi hành án, do đó, khi kiểm sát hồ sơ thi hành án nếu phát hiện hồ sơ có sai phạm, chưa tác nghiệp hoặc thiếu thủ tục, chứng từ, tài liệu trong việc thi hành án thì tiến hành lập phiếu kiểm sát, kết luận họ không tác nghiệp hoặc thiếu chứng từ, thủ tục,...trong hồ sơ, chứ không làm việc thay Cơ quan Thi hành án,những vấn đề này không phải là khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án.
Thứ hai, các hồ sơ kiểm sát thi hành áncó phát hiện sai phạm hoặc không phát hiện được sai phạm, Kiểm sát viên được phân công phải lập phiếu kiểm sát 100% và chịu trách nhiệm với phiếu kiểm sát của mình, như vậy, một mặt vừa tăng cường trách nhiệm trong công tác, mặt khác tổng hợp được các kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.
Thứ ba, đối với các bản Kiến nghị, Kháng nghị, Kiểm sát viên cần bám sát biểu mẫu theo quy định tại Quyết định số 204 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện, khi Viện kiểm sát ban hành kiến nghị, Kháng nghị nhưng Cơ quan Thi hành án không khắc phục theo thời hạn quy định thì Viện kiểm sát có thể gửi đến Ban Nội chính, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tại địa phương,...những đơn vị có chức năng xử lý các vi phạm đã được kiến nghị, kháng nghị nhưng không được Cơ quan Thi hành án khắc phục.
Thứ tư, các đơn vị cần chú trọng đến Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tại địa phương, cho đến thời điểm hiện nay, các đơn vị trình bày những mặt khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị nhưng chưa có đơn vị nào đề cập đến việc báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án tại địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lưu ý các đơn vị, khi phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết thi hành án, các đơn vị nên xin ý kiến Ban chỉ đạo Thi hành án tại địa phương, nếu vẫn còn khó khăn thì xin ý kiến Viện kiểm sát cấp trên.
Thứ năm, trước khi tiến hành kiểm sát việc kê biên, cưỡng chế thi hành án,... kiểm sát viên phải lập phiếu đề xuất và tự chịu trách nhiệm với phiếu đề xuất của mình, đừng để vụ việc kéo dài phát sinh thêm khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết.
Thứ sáu, các Bản án và Quyết định của Tòa án trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải được thi hành một cách nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng đã có văn bản, quy chế, quy định, hướng dẫn nhưng một số đơn vị vẫn báo cáo khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị cần nghiên cứu văn bản, quy chế, quy định để vận dụng vào công tác, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của đơn vị mình.
Thứ bảy, Cán bộ, công chức cần thực hiện nghiêm các quy định, quy chế ngành, các đơn vị nên lưu lại các văn bản giải đáp khó khăn, vướng mắc cũng như Thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên theo thứ tự, đọc, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ tám, khi xây dựng chuyên đề, báo cáo, các đồng chí không được sao chép chuyên đề, báo cáo của đơn vị khác, đối với những mặt khó khăn, vướng mắc, nếu đơn vị có phát sinh thì báo cáo còn không có thì không báo cáo, tuyệt đối không lên mạng tải về những mặt khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khác rồi báo cáo là của đơn vị mình.
Thứ chín, khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn thành phố Cần thơ có nhiều chuyển biến tích cực, có một số đơn vị làm rất tốt trong công tác này, do đó, các đơn vị nào có phương pháp tốt, cách làm hay trong khâu công tác này thì nên chia sẻ cho các đơn vị bạn cùng nghiên cứu, học tập.