Ngày Quốc tế chống tham nhũng là sự kiện thường niên do Liên hợp quốc tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, và vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ của họ. Ngày này được khởi xướng kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003.
Theo đó, Công ước Liên hợp quốc phòng chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption; viết tắt: UNCAC) đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 31 tháng 10 năm 2003, và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14-12-2005. Nội dung của Công ước bao gồm 8 Chương, 71 Điều quy định về các biện pháp mang tính phòng ngừa và xử phạt, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở tất cả các thành viên. Việc đàm phán, ký kết và thông qua Công ước khẳng định quyết tâm và sự đồng thuận cao về sự cần thiết phải có những nỗ lực chung nhằm giải quyết thách thức do tham nhũng gây ra đối với tất cả các quốc gia.
Để chống lại tham nhũng, Công ước quy định những quy ước và chuẩn mực chung về các vấn đề chính bao gồm: (1) Công tác phòng chống; (2) Hình sự hóa tội phạm tham nhũng; (3) Thu hồi tài sản bị thất thoát; (4) Hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo đó, từ Điều 5 đến điều 14 của Công ước quy định các biện pháp phòng chống tham nhũng bao gồm: Quy ước về chuẩn mực hành xử của cán bộ, viên chức nhà nước; cũng như các biện pháp bảo đảm sự độc lập của ngành Tư pháp, tiêu chí tuyển chọn cán bộ, viên chức và đấu thầu công khai các dự án, công trình; thúc đẩy tính minh bạch và truy cứu trách nhiệm trong việc quản lý tài chính công cộng và khu vực tư nhân; mở rộng sự tham gia của các tầng lớp dân chúng trong xã hội dân sự.
Công ước Liên hợp quốc, trích đoạn:
“quan ngại về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề và mối đe dọa từ tham nhũng đến sự ổn định và an ninh của xã hội, phá hoại các cơ quan và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức và công lý và gây nguy hiểm cho sự phát triển bền vững và các quy định của pháp luật”
và các quốc gia phê chuẩn Công ước này phải có trách nhiệm:
“thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả và hiệu quả hơn… thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng… [và] thúc đẩy toàn vẹn, trách nhiệm và quản lý tốt các vấn đề công cộng và tài sản công…”
Trong đó, Liên hợp quốc lưu ý rằng, không chỉ các quốc gia cần đoàn kết và đối mặt với vấn đề toàn cầu này mà mỗi người dân, bất kể già hay trẻ đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng.
Theo Liên hợp quốc, để đạt được điều này, cần có các chính sách, hệ thống và biện pháp để người dân có thể lên tiếng và nói không với tham nhũng. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng nhấn mạnh trách nhiệm của các Chính phủ trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người tố giác để đảm bảo rằng họ được bảo vệ khỏi hành vi bị trả thù. Các biện pháp này góp phần tạo ra các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch, hướng tới một nền văn hóa liêm chính và công bằng. Đồng thời, tham nhũng ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phòng chống tham nhũng mở ra tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững, giúp bảo vệ hành tinh của chúng ta, tạo việc làm, hướng tới bình đẳng giới và bảo đảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc y tế và giáo dục.
“…Nhân Ngày quốc tế chống tham nhũng năm nay, tôi kêu gọi các Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự hãy cùng nhau đứng dậy chung tay chống lại và ngăn chặn những hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng tới xã hội, chính trị và kinh tế ở tất cả các nước. Để hướng tới một tương lai công bằng, toàn diện và thịnh vượng cho tất cả mọi người, chúng ta phải nuôi dưỡng một nền văn hóa toàn vẹn, mang tính minh bạch, có trách nhiệm giải trình và quản trị tốt. ”
(- Trích thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng vào năm 2013.)
Ngoài ra, liên quan đến Ngày Quốc tế chống tham nhũng là Chiến dịch nói KHÔNG với tham nhũng. “Chiến dịch nói KHÔNG” (“Your NO Counts”) là một chiến dịch quốc tế được tạo ra bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm để đánh dấu Ngày chống tham nhũng quốc tế (09 tháng 12) và nâng cao nhận thức về tham nhũng và làm thế nào để chống lại nó.
Được biết, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng kể từ ngày 19-8-2009.