Quốc hội Khóa VIII được bầu ra và hoạt động trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện công cuộc đổi mới. Hoạt động lập hiến của Quốc hội Khóa VIII có nhiều thành tựu với 2 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980. Quốc hội bầu cử ngày 19/4/1987, có 496 đại biểu. Đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra.
Quốc hội khóa VIII đã ban hành 2 bộ luật, 29 đạo luật và Hội đồng Nhà nước ban hành 39 pháp lệnh. Số lượng văn bản được ban hành trong nhiệm kỳ này nhiều hơn cả số luật của 7 khóa trước cộng lại. Nhằm phục vụ việc chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần phát huy mọi tiềm năng của đất nước, trọng tâm hoạt động lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là tập trung ban hành các luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật Đất đai, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh về ngân hàng... Bên cạnh đó, Quốc hội và Hội đồng nhà nước cũng đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh nhằm đổi mới hoạt động trong lĩnh vực chính trị như Luật Công đoàn, Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân…
Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Quốc hội cũng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật về sĩ quan quân đội nhân dân, Pháp lệnh về việc tổ chức và điều tra hình sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân...
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Quốc hội đã soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1992 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới tư duy pháp lý, đặt ra nền tảng pháp luật cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, phát huy dân chủ rộng rãi với việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào bản dự thảo Hiến pháp với tinh thần nghiêm túc, sôi nổi, dân chủ, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Cùng với việc ban hành các luật và pháp lệnh, Quốc hội khóa VIII đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào nhiều vấn đề cấp bách, nóng bỏng, như tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước; tình hình phân phối, lưu thông, giá lương tiền, chống lạm phát; giải phóng sức sản xuất của các thành phần kinh tế gắn với giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, thực hiện “khoán hộ” trong nông nghiệp, tháo gỡ cơ chế cho phát triển khu vực kinh tế dân doanh, kinh tế tư nhân; giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống nhân dân; về cải cách giáo dục, bước đầu thực hiện xã hội hóa trong giáo dục; tình hình chống tham nhũng, buôn lậu, lập lại trật tự, kỷ cương .…
Kế thừa những thành tựu của Quốc hội khóa VIII, Quốc hội những nhiệm kỳ tiếp theo đã tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao về chất lượng hoạt động, góp phần rất quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử rất đáng tự hào.
Tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần đổi mới đó, trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững...
Trong kỳ Quốc hội khóa VIII có rất nhiều đại biểu có tầm ảnh hưởng chính trị to lớn, nhưng riêng đối với Ngành kiểm sát nhân dân không thể không nhắc đến đồng chí Trần Quyết - một vị lão thành cách mạng, tấm gương sáng trong ngành kiểm sát nhân dân. Đồng chí từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII (1987–1992); nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V, VI, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa VI (từ năm 1986 đến 1991), được bầu giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nhiệm kỳ 1987 – 1992). Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đồng chí Trần Quyết sớm được giác ngộ cách mạng, vượt qua tù đày, trải qua chiến đấu từ những ngày đầu khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, đồng chí đã trở thành một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược tài ba của lực lượng Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng và ngành Kiểm sát nhân dân. Dù bất cứ cương vị nào, đồng chí luôn nêu cao và giữ trọn phẩm chất cao quý của người Cộng sản kiên trung, luôn thể hiện khí phách người chiến sỹ Cộng sản trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đ/c Trần Quyết - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
tham luận tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII, tháng 4/1992 - ảnh TL.
Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Quyết (12/02/1922 - 12/02/2022), là dịp Đảng, Nhà nước và những thế hệ đi sau cùng tưởng nhớ và tri ân những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Noi gương đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nói riêng và thế hệ các đại biểu Quốc hội hôm nay nguyện không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực công tác, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.