Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong suốt hành trình 27 năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở Đông Nam Á. Sự kiện chấm dứt thời kỳ căng thẳng, không ổn định và đầy nghi ngại giữa các nước trong khu vực, tạo nên khung cảnh hòa bình, an ninh và ổn định, mở ra thời kỳ phát triển mới của khu vực. Đó chính là kết quả cơ bản và bền vững của quá trình hội nhập khu vực, một bước tiến ban đầu tiến tới hội nhập quốc tế. Đây cũng là dấu mốc lớn, quyết sách đầy trách nhiệm và dũng cảm của các nhà lãnh đạo nước ta thời kỳ đó, đã mở cánh cửa đầu tiên giúp Việt Nam từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận và bước đầu hội nhập cả về kinh tế và đối ngoại với thế giới Việt Nam đã nổi lên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, thúc đẩy hợp tác nội khối và tạo nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và ổn định khu vực.
Tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 01/1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN. Đây cũng là bước khởi đầu cho một mối quan hệ bền vững cho đến ngày hôm nay. Sau đó, Việt Nam tuyên bố sẵn sàng tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác của ASEAN (Hiệp ước Bali) ngay tại JIM-2. Năm 1992 đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam sau khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hàng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số Ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN. Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.
Những ngày đầu tham gia còn bỡ ngỡ, thiếu thốn cả về nhân lực, tài lực và kinh nghiệm khi tham gia một tổ chức khu vực, mà trước đó cả hai bên ASEAN và Việt Nam còn có chút nghi ngại, thì đến hôm nay Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.
Sau 27 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên, tiến tới tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Vai trò của Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh liên kết và xây dựng cộng đồng. Cho đến nay, chúng ta có thể tự hào nhận thấy Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thực thi các mục tiêu, các chỉ tiêu để thành lập cộng đồng ASEAN. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực thi các mục tiêu với gần 95% các dòng hành động đã được triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam giữ vai trò tích cực trong việc điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, EU, Ấn Độ. Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào việc kết nối và mở rộng quan hệ chiến lược giữa ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác này.
Trong suốt thời gian là thành viên, cộng đồng ASEAN đã ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam vào sự phát triển chung của Hiệp hội, tạo nền tảng để thành lập Cộng đồng ASEAN - gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. Định hướng phát triển của ASEAN cũng rất phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam, vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, vừa chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Các lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: “Cùng vững vàng tiến bước, cam kết xây dựng “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.. Với kinh nghiệm quý báu của 27 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam đã chứng minh được vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên thế giới, chứng tỏ vai trò là một đất nước tích cực, chủ động đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN. Với lòng tự hào dân tộc, chắc chắn nhiệm Việt Nam sẽ gặt hái thành công khi vượt lên những thách thức khó khăn để chào đón những thời cơ và vận hội mới khi đã và đang là thành viên của khối ASEAN. Bởi lẽ về về Chính trị - Ngoại giao; về Kinh tế hay cả về Văn hóa - Xã hội ngày càng khẳng định vai trò của Việt Nam: “Việt Nam cần ASEAN và ASEAN cần Việt Nam”./.