Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử chứng tỏ sức mạnh vô địch của Nhân dân cả nước ta đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công - nông. Với sức mạnh đó, chúng ta đã giành được chiến thắng vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Phát huy những thắng lợi đã giành được, Nhân dân ta vững bước tiến lên xây dựng nước nhà thành một nước giàu mạnh, góp phần cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trong điều kiện đất nước thống nhất, sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại là tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khoá VI. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã được triệu tập vào tháng 6/1976.
Thủ đô Hà Nội, Hội trường Ba Đình cờ hoa rực rỡ, tưng bừng chào đón những vị đại biểu của Nhân dân trong cả nước. 492 đại biểu của 38 tỉnh và thành phố trên khắp mọi miền của đất nước về dự họp đã thật sự trở thành hình ảnh tiêu biểu, linh động của toàn dân Việt Nam, sum họp một nhà.
Trong buổi sáng ngày 25/6, Quốc hội đã nghe đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đọc Báo cáo chính trị quan trọng “Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa”. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã trình bày trước cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam thống nhất và những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, phương châm và phương thức công tác của Nhà nước nhằm thực hiện nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; phương hướng và cách tiến hành xây dựng Hiến pháp mới của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta trong khi chưa có Hiến pháp mới.
Trong những phiên họp cuối cùng, Quốc hội đã thông qua những nghị quyết và văn kiện hết sức quan trọng của nước Việt Nam độc lập, Thống nhất và Xã hội Chủ nghĩa.
Trước hết, nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca với toàn văn như sau:
“Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội, quyết nghị:
1. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh.
3. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
4. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
5. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài “Tiến quân ca”
Với niềm phấn khởi và tin tưởng dạt dào, toàn thể Quốc hội đã hoàn toàn nhất trí thông qua nghị quyết, hoàn toàn nhất trí đặt tên nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đó Quốc hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng khác.
Ngày 02/7/1976, nước Việt Nam mang tên mới: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày bắt đầu chương mới huy hoàng của lịch sử Việt Nam. Từ Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy chông gai nhưng cũng đầy khí phách anh hùng, chiến thắng vẻ vang.
Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên Chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”. Tổng Bí thư cũng đã viết “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”.
Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm tròn sứ mệnh lịch sử quang vinh. Ngày nay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời với nhiệm vụ đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta, dân tộc ta có đầy đủ mọi khả năng và nghị lực để thực hiện nhiệm vụ vĩ đại đó, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chủ nghĩa xã hội. Kỷ niệm 77 năm thành lập nước (1945 - 2022).