Ngày 23/9/1945, chỉ sau 21 ngày Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa đã nổ súng gây hấn tại Nam Bộ. Nhân dân Nam bộ đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng thời biểu thị ý chí sắt son của quân và dân cả nước “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, lợi dụng Hiệp ước Postdam, quân Đồng Minh lũ lượt kéo vào nước ta “giải giáp quân Nhật”, nhưng thực chất là: “Diệt cộng, cầm Hồ”, bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Ở miền Nam, quân đội Anh và theo sau là quân đội Pháp kéo vào Sài Gòn. Chúng cấu kết với nhau, cùng với quân Nhật điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do.
Với dã tâm đặt ách đô hộ lên nước ta một lần nữa và thông qua mua bán, đổi chác lợi ích với nhau, Anh và Nhật đã nhượng bộ, ủng hộ Pháp trở lại nơi mà chúng đã từng cai trị hơn 80 năm trước đây. Đêm 22 rạng sáng 23/9/1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân đội Pháp tiến hành cuộc chiến tranh “không tuyên bố”, ngang nhiên nổ súng vào Tòa Thị chính Sài Gòn - nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, Chợ Lớn, Bưu điện, Đài Phát thanh thành phố… Thực dân Pháp chiếm lại Sài Gòn và sau đó đẩy cuộc chiến tranh tàn khốc lan ra Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, sáng ngày 23/9/1945, cuộc họp gồm các đồng chí Hoàng Quốc Việt[1] (Thường vụ Trung ương Đảng), Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... đã quyết định vừa gửi điện xin chỉ thị Bác và Trung ương Đảng, vừa phát động Nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều ngày 23/9, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra Tuyên cáo quốc dân khẳng định: “Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”. Quân và dân Nam bộ, mở đầu là Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhất tề đứng dậy, thay mặt Nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến.
Ngày 26/9/1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi gắm lòng mình qua lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm (…). Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ” (…). Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”. Người còn căn dặn chân tình tâm huyết: “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh… phải đối đãi với họ khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp các địa phương Bắc - Trung - Nam sục sôi hướng về Nam bộ “Cương quyết giành độc lập”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu... Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, các địa phương Nam bộ ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Chiến trường Nam Bộ thật sự quy tụ sức mạnh cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhân dânta cảm phục, tự hào và biết ơn Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, Nhân dân Nam bộ nói chung. Bằng sự kiên cường, bất khuất chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng. Kháng chiến ở Nam Bộ đã chôn chân quân Pháp ở miền Nam 15 tháng - khoảng thời gian quý báu để cả nước chuẩn bị điều kiện, lực lượng, cơ sở vật chất cho cuộc đọ sức sau này với thực dân Pháp.
Đã 76 năm đã đi qua, những năm tháng hào hùng ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của biết bao người. Lịch sử đã ghi những trang oanh liệt nhất, đánh dấu thêm một mốc son chói lọi kể từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác. Và như một sự liên kết không thể tách rời, khí thế hào hùng của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn vang mãi trong lòng mỗi chúng ta. Nam bộ kháng chiến thể hiện khát vọng và ý chí không gì lay chuyển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Thời gian đã lùi xa, nhưng xương máu, tinh thần và những bài học quý giá của Nam Bộ kháng chiến vẫn trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trang sử hào hùng ấy là mốc son chói lọi, mãi xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” như lời Bác Hồ khen tặng./.
[1]Cụ Hoàng Quốc Việt (1905-1992) là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc tiền bối Cách mạng của Đảng; Nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Cụ nguyên là: Ủy viên BCHTW Lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930; Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1937 - 1940 và 1943 - 1945); Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương - phụ trách Tổ chức, Dân vận, Mặt trận, Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1941 - 1951); Bí thư, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh (1941 - 1951); Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1945); Viện trưởng Viện KSND Tối cao (1960-1976) là vị Viện trưởng đầu tiên của Ngành kiểm sát nhân dân…