Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, do đó trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi được tôn trọng và được chăm sóc tốt, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của người cao tuổi. Với sự quan tâm sâu sắc đó, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi đã từng bước được cải thiện. Những người cao tuổi sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp lễ, Tết… Ngoài ra, một số người cao tuổi đã về hưu còn tham gia các hoạt động người cao tuổi, tham gia làm người đại diện cho đương sự, luật sư, công chứng viên… nhằm đóng góp sức lao động của mình phục vụ cho xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tri ân Ngày Quốc tế Người cao tuổi hàng năm.
Được biết, tiền thân của Ngày Quốc tế Người cao tuổi là Đại hội thế giới về Tuổi già, được tổ chức tại Áo vào năm 1982. Lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đã tiến hành Đại hội có sự tham dự hơn 3.000 đại biểu của các nước trên thế giới. Đại biểu của Việt Nam là Giáo sư Phạm Khuê - Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam.
Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Đến năm 1990, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi và nhằm tri ân những đóng góp to lớn của người cao tuổi, ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 01/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế Người cao tuổi. Theo đó, Ngày Quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991. Trải qua từng năm, Hội Người cao tuổi ngày càng phát triển, trong đó có cả Việt Nam.
Nhận thấy, đất nước của ta trải dài qua hơn 4.000 năm lịch sử. Mỗi chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta, một dân tộc nhỏ bé nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đã chiến đấu và chiến thắng tất cả bè lũ đế quốc xâm lược. Người cao tuổi Việt Nam với bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, có công lao đóng góp xây dựng đất nước, là trụ cột trong gia đình và xã hội, là nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc. Vì vậy, chúng ta trân trọng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực ấy.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế già hóa dân số, đánh giá cao vai trò, vị thế của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm sóc ngày càng tốt hơn; phát huy những tiềm năng, kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi; từng bước góp phần tạo dựng hệ thống chính sách cho người cao tuổi mà đỉnh cao là Luật Người cao tuổi; xác định mục tiêu người cao tuổi là sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, Hội người cao tuổi là thành viên của Mặt trận tổ quốc các cấp, đã tiếp tục đóng góp nhiều công sức quý báo cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam. Do đó, tri ân người cao tuổi là tri ân những đóng góp to lớn trong suốt quá trình phấn đấu cả đời của một người dân Việt Nam, luôn yêu thương và hướng về Tổ quốc./.