Trên cơ sở hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nhận định thực trạng đáng báo động trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cách thức đối tượng lừa đảo tiếp cận, lôi kéo nạn nhân để chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Sự tinh vi thể hiện ngay từ khâu “giăng bẫy” cho đến khi phi tang dấu vết, che giấu hành vi phạm tội. Lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ cao, với các nền tảng số được đưa vào sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, các hình thức giao dịch điện tử, kết nối qua mạng xã hội… ngày càng trở nên đa dạng, phổ biến và gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, các đối tượng lừa đảo đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác một cách tinh vi, bài bản. Theo đó, đối tượng lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, tạo ra nhiều chiêu trò thu hút sự chú ý của người dùng thông qua các trang điện tử; thời gian đầu đối tượng tìm mọi cách để tạo lòng tin tuyệt đối với nạn nhân, khiến cho nạn nhân mất cảnh giác, sau đó bắt đầu yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, đến khi thu hút được một số lượng tiền nhất định thì lập tức chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên[1]. Việc trao đổi, bàn bạc với nạn nhân thực hiện thông qua nhiều số điện thoại khác nhau và các số điện thoại này thường xuyên bị thay đổi, các đối tượng sử dụng sim rác, hoặc qua các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên mạng xã hội để liên hệ với nạn nhân. Khi bị phát hiện, đối tượng lừa đảo lập tức khóa mạng, xoá dữ liệu, tài khoản cá nhân. Sau mỗi vụ lừa đảo, đối tượng hoàn toàn có thể đổi tên hoặc thay đổi tài khoản sử dụng. Do đó, nếu nạn nhân có nhớ được tên tài khoản đã lừa đảo, thì vẫn có thể là nạn nhân của vụ lừa đảo tiếp theo vì kẻ lừa đảo đã “thay tên, đổi dạng”!.
Thứ hai, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, nhất là đánh vào lòng tham và tâm lý hám lợi của các nạn nhân để lừa đảo. Thực tế cho thấy đã có không ít người sập bẫy kẻ xấu cũng chỉ vì tâm lý chủ quan trước những chiêu bài mà các đối tượng sử dụng. Qua thống kê sơ bộ, gần 70% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ. Khi sập bẫy kẻ lừa đảo, đa số nạn nhân đều tìm cách giấu gia đình, người thân về sự việc, do lo sợ việc làm của mình ảnh hưởng đến người nhà hoặc bị chê trách, chỉ trích nên thường tự mình tìm cách tháo gỡ. Mặt khác, không kịp để cho nạn nhân suy nghĩ, các đối tượng lừa đảo luôn tìm nhiều cách để hối thúc, hâm dọa nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu trong thời gian chúng đưa ra sẽ phải “mất cả chì lẫn chài”, điều này càng khiến các nạn nhân rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, hoảng loạn, mất bình tĩnh, để rồi không kịp suy nghĩ... mà tìm mọi cách để đáp ứng mọi yêu cầu đối tượng lừa đảo đưa ra. Tuy nhiên, chính tâm lý này đã khiến cho nhiều nạn nhân ngày càng lún sâu hơn vào cái bẫy lừa đảo, ước muốn xa vời có thể “lấy lại cả gốc lẫn lãi” thực tế lại là... “tiền mất, tật mang”, khi vụ việc được trình báo đến cơ quan chức năng thì số tiền chiếm đoạt là rất lớn!.
Thứ ba, mặc dù cơ quan chức năng và lực lượng báo chí, truyền thông đã đưa ra nhiều cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có một thực tế là phần lớn người dân vẫn chưa tiếp cận được với các thông tin cảnh báo này. Chưa kể việc những cảnh báo này chỉ tiếp cận đến một số người nhất định, tại một thời điểm nhất định, nhiều thông tin tuyên truyền, cảnh báo không được lưu lại, nhanh chóng trôi đi giữa hàng loạt thông tin mới được cập nhật mỗi ngày trên không gian mạng... Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn chưa đảm bảo tính sâu rộng và chưa có tính hệ thống nên không ít người còn thờ ơ, mất cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi của tội phạm, để rồi ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Thứ tư, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng đã tìm kiếm và thu thập được nhiều thông tin cá nhân của người dân như số điện thoại, địa chỉ nhà, số căn cước công dân hay các loại giấy tờ khác… Điều này đã khiến cho hành vi lừa đảo trên không gian mạng vốn đã nguy hiểm, nay ngày càng trở nên biến tướng và tinh vi hơn. Vì vậy mọi người dân nên kề cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân khi chưa biết rõ nguyên nhân hoặc khi không đảm bảo tính bảo mật của thông tin, nhất là trên môi trường không gian mạng.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, mạng internet, ngân hàng vẫn tồn tại những sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng. Điển hình như:
- Tình trạng tin nhắn rác mỗi ngày đến nhiều chủ thuê bao di động vẫn diễn ra tràn lan. Các dịch vụ nhận tin nhắn rác (spam) cho phép người dùng có thể tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày với chi phí siêu rẻ, tạo cơ hội cho không ít đối tượng lợi dụng để thực hiện dịch vụ quảng cáo lừa đảo.
- Nhiều ngân hàng muốn thu hút khách hàng nên đưa ra nhiều chính sách mở thẻ miễn phí, dễ dàng, nhanh chóng mà không cần kiểm tra xác minh thông tin của chủ thẻ, giao cho các chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên chỉ tiêu phát hành thẻ. Điều này vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thuê người mở thẻ, hoặc mua lại thẻ đã mở với giá rẻ, hoặc sử dụng thông tin giả mạo thu thập được trên không gian mạng để mở thẻ, sau đó sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi lừa được khoản lớn, tội phạm sẽ nhanh chóng phân tán số tiền này vào các tài khoản ngân hàng khác nhau và xóa dấu vét, gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp, cung cấp thông tin thuê bao số điện thoại và xác minh các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn chậm nên chưa kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Từ những phân tích trên có thể thấy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoành hành trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những cái bẫy giăng sẵn, luôn chực chờ bắt gọn những “con mồi” ngon! Các giải pháp nào cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng?...
Mời bạn đọc đón xem Kỳ 3 - “Cảnh giác để tránh “bẫy”!”.
Thứ tư, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng đã tìm kiếm và thu thập được nhiều thông tin cá nhân của người dân như số điện thoại, địa chỉ nhà, số căn cước công dân hay các loại giấy tờ khác… Điều này đã khiến cho hành vi lừa đảo trên không gian mạng vốn đã nguy hiểm, nay ngày càng trở nên biến tướng và tinh vi hơn. Vì vậy mọi người dân nên kề cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân khi chưa biết rõ nguyên nhân hoặc khi không đảm bảo tính bảo mật của thông tin, nhất là trên môi trường không gian mạng.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, mạng internet, ngân hàng vẫn tồn tại những sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng. Điển hình như:
- Tình trạng tin nhắn rác mỗi ngày đến nhiều chủ thuê bao di động vẫn diễn ra tràn lan. Các dịch vụ nhận tin nhắn rác (spam) cho phép người dùng có thể tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày với chi phí siêu rẻ, tạo cơ hội cho không ít đối tượng lợi dụng để thực hiện dịch vụ quảng cáo lừa đảo.
- Nhiều ngân hàng muốn thu hút khách hàng nên đưa ra nhiều chính sách mở thẻ miễn phí, dễ dàng, nhanh chóng mà không cần kiểm tra xác minh thông tin của chủ thẻ, giao cho các chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên chỉ tiêu phát hành thẻ. Điều này vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thuê người mở thẻ, hoặc mua lại thẻ đã mở với giá rẻ, hoặc sử dụng thông tin giả mạo thu thập được trên không gian mạng để mở thẻ, sau đó sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi lừa được khoản lớn, tội phạm sẽ nhanh chóng phân tán số tiền này vào các tài khoản ngân hàng khác nhau và xóa dấu vét, gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp, cung cấp thông tin thuê bao số điện thoại và xác minh các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn chậm nên chưa kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Từ những phân tích trên có thể thấy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoành hành trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những cái bẫy giăng sẵn, luôn chực chờ bắt gọn những “con mồi” ngon! Các giải pháp nào cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng?...
Mời bạn đọc đón xem Kỳ 3 - “Cảnh giác để tránh “bẫy”!”.
[1] Đọc thêm Kỳ 1: Nhận diện phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.