Thành phố Cần Thơ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Do lịch sử quản lý đất đai lạc hậu, đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, do đó tình hình tranh chấp về dân sự, HNGĐ, khiếu kiện về hành chính, lao động xảy ra trên địa bàn ngày càng nhiều, nhất là các tranh chấp về quyền sử dụng đất, về bồi thường tái định cư, về hợp đồng tín dụng. Vì vậy số lượng án do Tòa án thụ lý ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về nội dung tranh chấp.
Việc thụ lý, giải quyết vụ án của Tòa án đều có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ án từ khi thụ lý đến khi ban hành bản án, quyết định còn những vi phạm, thiếu sót, làm ảnh hưởng đến trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân dẫn đến Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị, kháng nghị.
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã xác định nhiêm vụ trọng tâm là“Tăng cường trách nhiệm trong việc áp dụng các quy định mới của pháp luật về dân sự; nâng cao chất lượng kiểm sát lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động ; tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm”. Với quyết tâm nổ lực toàn ngành, 2 cấp kiểm sát thành phố Cần Thơ đã ban hành 30 kháng nghị phúc thẩm, tăng 08 kháng nghị so với cùng kỳ, trong đó có 05 kháng nghị phúc thẩm vụ án hành chính và kinh doanh, thương mại. Ban hành 29 kiến nghị (có 01 kiến nghị phòng ngừa); trong đó 11 kiến nghị về án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Các kiến nghị, kháng nghị đều được được Tòa án chấp nhận.
Từ kết quả trên cho thấy chất lượng kháng nghị và kiến nghị ngày càng được nâng cao, được chú trọng về hình thức lẫn nội dung. Văn bản kháng nghị viết ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, chỉ dẫn căn cứ vi phạm pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Qua thực tiễn công tác kiểm sát, nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm có một số dạng vi phạm dẫn đến án bị hủy, sửa như: không đưa đầy đủ người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các đương sự; vi phạm về đại diện ủy quyền; thu thập chứng cứ không đầy đủ; áp dụng pháp luật nội dung không đúng qui định; vận dụng chính sách, pháp luật về đất đai qua từng thời kỳ không phù hợp; tuyên vượt quá yêu cầu của đương sự; tính lãi suất, án phí không có căn cứ pháp luật…
Tuy nhiên, số lượng, chất lượng kháng nghị và kiến nghị có tăng lên. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như sau:
Thứ nhất: Số lượng kháng nghị vẫn còn ít so với tổng số án bị hủy, sửa của cả năm; đặc biệt là trong các vụ án có kháng cáo, có vi phạm pháp luật về nội dung, thủ tục tố tụng. Công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đôi lúc chưa chặt chẽ.
Thứ hai: Việc Tòa án gửi Bản án, quyết định hoặc yêu cầu chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát còn chậm, thời hạn kháng nghị ngắn, một số bản án khi VKS nhận được thì thời hạn không còn để kháng nghị. Mặc dù Viện kiểm sát đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, nhưng chưa triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm số lượng kháng nghị phúc thẩm.
Thứ ba: Các tranh chấp dân sự ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên cần phải nghiên cứu đầy đủ các chứng cứ có trong hồ sơ để có đường lối giải quyết đúng đắn vụ việc. Vì vậy, kiểm tra viên, kiểm sát viên chỉ kiểm sát nội dung bản án sơ thẩm rất khó phát hiện vi phạm.
Thứ tư: Năng lực một số kiểm tra viên, kiểm sát viên mới bổ nhiệm còn hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều, nên đôi lúc không phát hiện vi phạm của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để kiến nghị, kháng nghị.
Thứ năm: Tuy có tăng cường biên chế cho phòng nghiệp vụ và VKS quận huyện, nhưng số lượng án ngày càng tăng cao, giải quyết chưa đáp ứng yêu cầu. Để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động Viện kiểm sát ND thành phố Cần Thơ đề ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự. Xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát năm 2018. Nâng cao trách nhiệm pháp lý cá nhân của KSV Phòng nghiệp vụ trong việc theo dõi, hướng dẫn VKS quận, huyện kiểm sát chặc chẽ vụ, việc Tòa án cùng cấp thụ lý, giải quyết. Khắc phục ngay tâm lý nể nang, ngại va chạm, không kiến nghị, kháng nghị.
Thứ hai: Kiểm tra viên, kiểm sát viên phải nhận thức đầy đủ quyền kháng nghị, kiến nghị theo Luật tổ chức Viện kiểm sát và Tố tụng Dân sự, Hành chính. Đây là quyền năng pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân, thực hiện tốt chức năng kháng nghị, kiến nghị đúng qui định.
Thứ ba: Tăng cường công tác chỉ đạo Viện kiểm sát cấp huyện trong công tác kháng nghị, khi phân công kiểm sát viên tham gia phiên tòa quan điểm không thống nhất với bản án Hội đồng xét xử tuyên, phải kịp thời báo cáo Viện trưởng và phòng nghiệp vụ phối hợp xem xét bản án sơ thẩm để kháng nghị theo thẩm quyền. Trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định hoặc những vụ án quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm và Viện kiểm sát không thống nhất thì Viện kiểm sát cấp tỉnh báo cáo đến Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định.
Thứ tư: Tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong việc gửi bản án, quyết định, chuyển hồ sơ vụ án; thông tin kịp thời các vi phạm để trao đổi nghiệp vụ, chủ động thực hiện kháng nghị trong thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới và Viện kiểm sát cấp trên để đảm bảo tất cả các vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng qui định.
Thứ năm: Những vụ án bị cấp phúc thẩm hủy, sửa cơ bản thì kiểm sát viên tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành thông báo rút kinh nghiệm gửi đến Viện kiểm sát các quận, huyện rút kinh nghiệm chung.
Thứ sáu: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trong công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ, sao gửi các bản án, quyết định, hồ sơ kiểm sát giữa Viện kiểm sát cấp dưới và Viện kiểm sát cấp trên, bảo đảm tính bảo mật theo quy định.
Thứ Bảy: Đối với đơn vị có lượng án bị hủy, sửa nhiều cần phân công kiểm tra viên, kiểm sát viên có kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị tốt.
Thứ tám: Hai cấp kiểm sát phải mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm của Tòa án và các cơ quan hữu quan để kiến nghị phòng ngừa vi phạm. Văn bản kiến nghị phải chỉ dẫn vi phạm pháp luật, đúng trọng tâm của vi phạm, thể thức phù hợp với biểu mẫu quy định của ngành.
Thứ chín: Mỗi kiểm tra viên, kiểm sát viên cần có ý thức nghiên cứu pháp luật, tự trao dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu các Thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên, các Quyết định giám đốc thẩm, các tài liệu tập huấn để tích lũy kinh nghiệm./.