Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Hướng dẫn số 15-HD/BCHTW ngày 05/11/2012 và Hướng dẫn số 06-HD/BCHTW ngày 24/02/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện công tác quy hoạch cán bộ các cấp; Hướng dẫn số 22/HD-VKSTC ngày 23/4/2018 của Viện kiểm nhân dân tối cao về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân, phòng Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã tham mưu cho Ban Cán sự đảng chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị giai đoạn 2021-2026 đảm bảo đúng quy định, kịp thời bổ sung nhân tố mới, có triển vọng để đưa vào quy hoạch, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch đối với những công chức không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả thực hiện rà soát quy hoạch giai đoạn 2021-2026 đã được Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt gồm những công chức có đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, đảm bảo số lượng quy hoạch theo quy định.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện rà soát quy hoạch, lãnh đạo một số đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chưa thực sự quan tâm, nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và của Ngành về thực hiện công tác quy hoạch dẫn đến việc rà soát đưa vào quy hoạch những công chức chưa đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định hoặc thực hiện không đúng quy trình.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trong giai đoạn tiếp theo, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ để tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng thiếu hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. Đồng thời, tạo nguồn cán bộ của Ngành làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát hai cấp vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, có trình độ và năng lực chuyên môn, nhất là năng lực trí tuệ và năng lực thực tiễn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Ngành và địa phương.
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể sau:
Một là, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần phối hợp với cấp ủy của đơn vị mình tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Ngành về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để sáng suốt đưa vào quy hoạch những cán bộ, công chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện; khắc phục tình trạng nể nang trong công tác tổ chức cán bộ.
Hai là, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trên cơ sở phát huy vai trò người đứng đầu, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng đối với công tác cán bộ. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác tư tưởng, công tác tổ chức với công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thành ủy. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ.
Ba là, thường xuyên thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo quản lý hai cấp, thực hiện nguyên tắc “động” và “mở”; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp qua đánh giá không có khả năng phát triển hoặc sau khi quy hoạch nhưng không phát huy được. Đồng thời gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, đào tạo cán bộ; xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trong nguồn quy hoạch. Đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn nhằm tạo nguồn lãnh đạo quản lý có chất lượng cho trước mắt cũng như lâu dài.
Bốn là, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, Kiểm sát viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành tạo điều kiện cho cán bộ giỏi một lĩnh vực, biết nhiều lĩnh vực; đồng thời kết hợp chuyển đổi vị trí công tác với đào tạo cán bộ nhằm khắc phục hạn chế sức ỳ cán bộ ở lâu tại một vị trí, một lĩnh vực, đơn vị công tác, tạo điều kiện cho cán bộ thay đổi môi trường công tác, được tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Năm là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ có đánh giá đúng, thực chất cán bộ mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Phải lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, làm thước đo chủ yếu đánh giá cán bộ. Thực hiện mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá. Đối với lãnh đạo quản lý phải xem xét kết quả chỉ tiêu công tác của đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để đánh giá, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện việc đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng giúp cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi đánh giá đúng thực chất chất lượng cán bộ sẽ lựa chọn đưa vào quy hoạch những công chức có phẩm chất, năng lực.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ để mỗi cán bộ luôn tự ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Phải xác định việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ là yêu cầu có tính thường xuyên, liên tục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Bảy là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ. Tăng cường rà soát nắm bắt những vấn đề lịch sử chính trị, chú trọng nắm tình hình và giải quyết những vấn đề chính trị nếu có phát sinh ở cán bộ, qua đó nắm chắc tình hình chính trị, diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ. Tiến hành quản lý hồ sơ, thẩm định về tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, bảo đảm các chế độ đối với cán bộ, làm cho cán bộ yêu ngành hơn, yên tâm công tác để cống hiến tạo động lực mạnh mẽ để phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ.
Tám là, cần quan tâm hơn đến đội ngũ công chức làm công tác cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác cán bộ cho đội ngũ làm công tác cán bộ để họ thực sự là lực lượng tham mưu tích cực trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát thật sự “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.