Quy định mới được ban hành trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011). Theo đó, Trung ương nhận định, Quy định 47 đã góp phần khắc phục những hạn chế yếu kém trong thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, ngăn chặn tình trạng suy thoái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Quy định là căn cứ, cơ sở để xem xét, xử lý các vi phạm của đảng viên; tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đảng viên và tổ chức đảng.
Quy định mới được xác định có tính pháp quy cao, được xây dựng theo nhóm hành vi với các điều khoản chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, rõ nội hàm, rõ hành vi, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật khi đảng viên có dấu hiệu hoặc vi phạm.
Quy định số 37 đã kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, cập nhật những vấn đề mới, kịp thời đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn cách mạng mới. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, việc tự kiểm tra, tự phát hiện vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Phần lớn kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm không phải do cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy cùng cấp tự kiểm tra, phát hiện và xử lý mà chủ yếu là do cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, bản thân cán bộ, đảng viên chịu tác động của nhiều nhân tố phức tạp, do đó, mỗi đảng viên cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tự điều chỉnh hành vi theo Quy định những điều đảng viên không được làm. Mỗi cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải đặc biệt chú trọng công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề để nhắc nhở, chấn chỉnh vi phạm từ lúc manh nha, không để trở thành những vi phạm lớn. Phải chú trọng nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát. Thực tế đã minh chứng, vai trò người đứng đầu là nhân tố quyết định. Nơi nào người đứng đầu gương mẫu, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương thì nơi đó cả hệ thống chính trị vào cuộc và vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát có hiệu quả.
Điểm lại một số vụ việc cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật đảng, bị truy tố trong thời gian gần đây, Quy định về những điều đảng viên không được làm có tác dụng rất tốt trong nhận diện, khống chế những dấu hiệu sai phạm, tuy nhiên vẫn lọt lưới rất nhiều phần tử suy thoái, cơ hội. Thể hiện cái nhìn tổng thể từ thực tiễn, Trung ương bổ sung vấn đề dư luận rất quan tâm, đó là hiện tượng cán bộ, đảng viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, chạy chức, chạy quyền; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Không ít trường hợp khó xử lý vì tài sản không rõ nguồn gốc và đứng tên người thân… Điều quan trọng, thực hiện hiệu quả thế nào phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Cần chọn người đứng đầu dám bảo vệ sự sáng tạo và cái đúng, đấu tranh khi thấy sai, trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dũng cảm tố cáo sai phạm, khi đó mới khuyến khích tinh thần đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm chính.
Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cho thấy, vi phạm có liên quan tham nhũng, tiêu cực phần lớn từ cán bộ, đảng viên, nên vi phạm đó cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ đảng. Với các quy định hiện hành của Đảng thì có cơ sở để thực hiện việc chủ động, đi trước, làm tiền đề cho xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Có những vi phạm của đảng viên chưa đến mức xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhưng vẫn có thể xem xét, xử lý theo quy định của Đảng do các vi phạm đó được quy định tại “Quy định về những điều đảng viên không được làm” và quy định về trách nhiệm nêu gương. Từ đó làm căn cứ, lý do kiểm tra, phát hiện các vi phạm khác của tổ chức đảng và đảng viên, hoặc nói cách khác đó là “tiền đề” cho xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là “đường dẫn” và cách làm mới để cấp ủy đảng có cơ sở chỉ đạo xử lý hàng loạt các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa qua, Trung ương đã khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm… Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước Nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới./.