Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; riêng tại Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.
Luật quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Gồm những điểm mới mang tính đột phá chính như sau:
- Thứ nhất, bổ sung thêm 09 nội dung giải thích thuật ngữ và quy định chung trong luật (38 nội dung so với luật BVMT năm 2014 là 27 nội dung). Đặc biệt đã mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, vai trò của “cộng đồng dân cư” trong hoạt động bảo vệ môi trường.
- Thứ hai, xác định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên: Tại mục 4, chương II có các quy định về di sản thiên nhiên; việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; các nội dung về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên (điều tra, đánh giá, quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ di sản thiên nhiên).
- Thứ ba, ban hành tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Mục 2, chương IV, từ Điều 28 đến Điều 29) để quy định tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư, theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 (bốn) nhóm để thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định.
- Thứ tư, tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường: Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật theo các nội dung cụ thể trong các Chương, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.
- Thứ năm, về Giấy phép môi trường (Mục 4, chương IV) quy định các vấn đề về: nội dung giấy phép; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường,…
- Thứ sáu, bảo vệ môi trường theo ngành, lĩnh vực (từ Điều 50 đến Điều 71) quy định các vấn đề: bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; đô thị và nông thôn; trong một số lĩnh vực… Đặc biệt đối với nội dung bảo vệ môi trường nông thôn, đã quy định các yêu cầu, trách nhiệm về bảo vệ môi trường nông thôn của các cơ quan và tổ chức có liên quan.
- Thứ bảy, về quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác (từ Điều 72 đến Điều 88) các vấn đề về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định cụ thể và rõ ràng hơn: quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt,… nhằm thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải nộp sẽ cao. Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Thứ tám, cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước: bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn.
- Thứ chín, quy định mới về phát triển kinh tế môi trường, kiểm toán môi trường nhằm tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý môi trường. Luật cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
- Bảo vệ môi trường không phải là nghĩa vụ của riêng ai mà là của tất cả mọi người, bởi môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống chung; chính vì vậy chúng ta cần phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Bảo vệ môi trường còn giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục được những hậu quả mà con người gây ra.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thực tế đã kế thừa, bổ sung, mở rộng phạm vi điều chỉnh và cụ thể hóa các quy định về hoạt động bảo vệ môi trường, thời điểm hiệu lực từ ngày 01/01/2022 hướng tới sẽ là bước chuyển biến mạnh mẽ giúp mọi người hiểu biết và thực hiện nghiêm hơn các quy định về bảo vệ môi trường nhằm cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên,… bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và thân thiện với môi trường.
Chung tay hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2022
Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Từ đó, ngày 5/6, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn ngày Môi trường thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.
Mục đích của ngày Môi trường thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.
Ngày Môi trường thế giới đã khiến các vấn đề môi trường trở nên nhân văn hơn. Đồng thời, trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng. Ngoài ra còn nâng cao hiểu biết của mọi người, từ đó thay đổi hành vi của người dân.
Ngày Môi trường thế giới 05/6/2022 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
Để triển khai chủ đề này, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2472/BTNMT-TTTT gửi các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng, kèm theo khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng ngày môi trường thế giới như: 1. Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm. 2. Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu. 3. Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường. 4. Nâng cao chất lượng môi trường kích thích phát triển kinh tế và chống lại đói nghèo. 5. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dang sinh học.