1. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công rực rỡ
Cách đây hơn 100 năm, ngày 07/11/1917 đã nổ ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn nhân loại.
Ngày 25/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 07/11/1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, lần đầu tiên đưa giai cấp công nhân và nông dân lên nắm quyền ở quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới.
Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nhân dân, người lao động toàn lãnh thổ trên thế giới đều sống cơ cực, lầm than, chịu sự bóc lột bất công của chế độ tư bản và chế độ phong kiến. Xã hội phân chia giàu nghèo rõ rệt, sự bất công, áp bức đẩy nhiều con người vào đường tuyệt vọng, không lối thoát. Chính hoàn cảnh đó đã thúc đẩy Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lê-nin, đã biến “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành một sức mạnh hiện hữu. Chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận khoa học trở thành thực tiễn, từ tư tưởng trở thành hiện thực sinh động trên phạm vi thế giới. Đó là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ áp bức, bóc lột, bất công - chế độ tư bản chủ nghĩa, đã “giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động”.
Bắt đầu từ nước Nga, với mục tiêu là giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, mang lại cơm áo, tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho Nhân dân, chủ nghĩa xã hội hiện thực như vầng dương bừng sáng giữa đêm tối, nhanh chóng lan tỏa trên khắp các châu lục, trong đó có cả Việt Nam chúng ta.Việt Nam đã vận dụng đúng đắn những tư tưởng, những bài học kinh nghiệm quý báucủa Cách mạng tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mac – Lêninvào con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi chế độ tư bản, chế độ phong kiến. Kết quả Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/02/1930, đến ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã chính thức đưa đất nước ta hoàn toàn giải phóng, thống nhất bờ cõi từ Bắc vào Nam.
Kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để khẳng định tầm vóc ý nghĩa lớn lao và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và những đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong lịch sử nhân loại, đồng thời cũng là dịp chúng ta nhìn nhận phân tích sâu sắc, khoa học những kinh nghiệm, bài học lịch sử, những thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực, mô hình Xô viết sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển; từ đó rút ra những quy luật, những cách thức phát triển mới nhanh, bền vững phù hợp với xu thế thời đại trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO
Vào lúc 17 giờ, ngày 07/11/2006, tại trụ sở WTO, ông Eirik Glenne – Chủ tịch Đại hội đồng WTO đã gõ búa chính thức xác nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, Việt Nam chính thức bước vào ngôi nhà chung của Tổ chức Thương mại thế giới. Để đạt thành quả này, Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc trong tiến trình hội nhập và thích nghi với nền kinh tế thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại lớn nhất thế giới WTO vào ngày 11/01/2007. Theo đó, Việt Nam cũng chính thức phải thực hiện các cam kết đã đưa ra với WTO. Đây được xem là một bước khởi sắc quan trọng cho tình hình kinh tế Việt Nam, tạo đà thúc đẩy cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới thì hơn 10 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng, thể hiện qua các lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cán cân xuất, nhập khẩu, du lịch… Nền kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm - thành tựu hết sức quan trọng.GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015, đạt 2.445 USD năm 2016 và đạt 3.759 USD năm 2021. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Bên cạnh đó, WTO còn làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi. Đặc biệt, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hàng loạt rào cản kinh doanh được gỡ bỏ. Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường. Do đó, tạo tiền đề cho sự bùng nổ mới của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với kỷ lục gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2007.
Sự kiện gia nhập WTO đã thay đổi hoàn toàn nền kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển và khẳng định vị thế, uy tín của mình trên trường thế giới./.