Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Dự thảo gồm có 4 chương, 48 điều, tăng thêm 3 điều, chỉnh lý 15 điều so với Dự thảo ngày 15/8, đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra…
Một quy định đáng lưu ý trong pháp lệnh vừa được thông qua là phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng với hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".
Ngoài ra, người vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung gồm: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm…
Quy định này có sự điều chỉnh so với dự thảo lần đầu trình UBTVQH hôm 15.8. Cụ thể, dự thảo trước đó quy định hành vi ghi âm, ghi hình phiên tòa và phát trực tiếp (livestream) trên không gian mạng bị phạt từ 7 - 15 triệu đồng. Riêng nhà báo ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp mà không có sự đồng ý bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng. Trong khi đó, pháp lệnh vừa thông qua đã bỏ quy định cụ thể về đối tượng nhà báo, hành vi cụ thể livestream, đồng thời phân định rõ các trường hợp ghi âm, ghi hình tại phiên tòa dân sự, hành chính và hình sự.
Pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ 01/9/2022 đảm bảo mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.