- Về thi hành quyết định thi hành án treo (Điều 85): cụ thể hóa thủ tục triệu tập và yêu cầu người được hưởng án treo cam kết việc chấp hành án, các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bổ sung quy định về đình chỉ thi hành án trong trường hợp người được hưởng án treo chết.
-Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo (Điều 86): bổ sung cho Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ: (1)Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo theo quy định của Luật THAHS năm 2019;(2)Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi người được hưởng án treo bỏ trốn;(3)Hằng tháng nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành án của người được hưởng án treo và lưu hồ sơ giám sát, giáo dục.
Bên cạnh đó, Luật THAHS năm 2019 sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ cụ thể của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
-Về rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo (Điều 89 và 90): Luật THAHS năm 2019 đã pháp điển hóa quy định của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 65 của BLHS về án treo, Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/08/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
-Về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo(Điều 92): Luật THAHS năm 2019 tiếp tục kế thừa quy định của Luật THAHS năm 2010 và quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú; thẩm quyền giải quyết cho vắng mặt tại nơicư trú trong những trường hợp cụ thể; bổ sung quy định về thời gian tối đa người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú không quá một phần ba thời gian thử thách và thời gian vắng mặt mỗi lần không quá 60 ngày.
- Về nghĩa vụ của người được hưởng án treo (Điều 87): quy định cụ thể các nghĩa vụ: (1)Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật THAHS năm 2019; (2)Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; (3) Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, làm việc; (4) Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này; (5) Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; (6)Hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật THAHS năm 2019 thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
-Về xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo (Điều 93): bổ sung điều luật quy định về xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo trong các trường hợp cụ thể như sau:
(1) Trường hợp người được hưởng án treo không có mặt theo giấy triệu tập quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật THAHS năm 2019 và không có mặt sau khi hết thời hạn 07 ngày kể từ khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thì các cơ quan này lập biên bản vi phạm và đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú, Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
(2)Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật THAHS năm 2019 nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì Công an cấp xã đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
(3) Trường hợp người được hưởng án treo do đơn vị quân đội giám sát, giáo dục đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật THAHS năm 2019 nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì đơn vị quân đội giám sát, giáo dục lập biên bản vi phạm và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về trình tự, thủ tục buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo: Luật THAHS năm 2019 quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, các tài liệu cần có trong hồ sơ; Tòa án phải tổ chức phiên họp xem xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 thì thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ); quy định về việc thi hành quyết định của Tòa án về việc buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Những sửa đổi bổ sung trên là phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi hành Luật THAHS năm 2010; góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo./.