Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo Hiến pháp và pháp luật được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất đúng qui định, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa. Ban Cán sự Đảng xác định Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị quan trọng hoạch định cho sự phát triển của hệ thống pháp luật nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn xã hội, sự ra đời của nghị quyết là tính tất yếu khách quan xây dựng nhà nước pháp quyền (viết tắt NNPQ), của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quan điểm của Đảng ta hoàn thiện hệ thống Pháp luật Nhà nước XHCN Việt Nam là công cụ pháp lý hữu hiệu nhất, đảm bảo quản lý xã hội hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật này được ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định, được phân thành các chế định pháp luật, các ngành luật cụ thể, để Nhà nước quản lý xã hội. Vấn đề quan trọng hàng đầu đó là xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, chính là tư tưởng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên không phải đến bây giờ mà từ lâu, vào ngày 18/6/1919, tại Hội nghị ở Vécxây, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, tư tưởng Hồ Chí Minh đặc ra Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây có tám điểm, trong đó tại điểm 2, Người yêu cầu: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”; điều đó cho ta thấy tư tưởng đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam đã hình thành cách nay hàng trăm năm.
Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, là cơ sở cho việc ra đời Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, cũng là cơ sở cho việc hình thành NNPQ ở Việt Nam. Từ đó đến nay Quốc hội, Chính Phủ, các Bộ, Ngành đã ban hành các đạo luật, luật, nghị quyết và các loại hình văn bản pháp luật khác, trong đó có Nghị quyết 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta xây dựng một nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” quyền con người, quyền cơ bản của công dân, những lợi ích hợp pháp mà mọi người được thụ hưởng, định hướng lại bộ máy quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Những nội dung, quan điểm, tư tưởng của Đảng được Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã tổ chức quán triệt đến công chức 2 cấp kiểm sát nhận thức rõ vị trí vai trò quyền công tố theo qui định pháp luật, tăng cường nghiên cứu, nhận thức tốt các qui định pháp luật liên quan nhằm áp dụng đúng vào chức trách nhiệm vụ được giao; Chỉ đạo Phòng Công nghệ thông tin và Thống kê tội phạm tạo thư mục “Thư viện pháp luật” riêng trên máy vi tính để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong Ngành dễ tiếp cận nghiên cứu hoặc chuyển tải về máy cá nhân khai thác thuận lợi, mở “Trang tin điện tử Viện kiểm sát” nhằm trao đổi thông tin nghiệp vụ, quan điểm pháp luật...rộng rãi.
1. Những chủ trương của Ban Cán sự Đảng:
Một là: Tổ chức triển khai, quán triệt, tham gia cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và các luật do địa phương tổ chức. Tổ chức 03 lượt Hội thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” đối tượng là công chức 2 cấp kiểm sát tham gia; Cử 2 lượt Kiểm sát viên tham gia Hội thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, là tiền đề cho công tác truyền thông pháp luật của Ngành.
Thông qua Hội thi, với sự cộng tác của cơ quan Báo, Đài của trung ương và địa phương đã tạo dấu ấn tích cực về hiệu quả của công tác nghiên cứu và tuyên truyền pháp luật. Tạo sức lan tỏa không những trong nội bộ ngành mà còn nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho cho quần chúng nhân dân.
Công chức ngành Kiểm sát tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do UBND thành phố tổ chức, đặc biệt là cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, Luật tổ chức VKS, Tòa án và 6 luật tư pháp mới có hiệu luật thi hành đạt giải cao trong Hội thi.
Hai là: Là thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của UBND thành phố Cần Thơ, chúng tôi đã phối hợp cùng địa phương kịp thời triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến hoạt động tư pháp cho đại diện các cơ quan chuyên môn, cơ quan tiến hành tố tụng địa phương. Thông qua đợt triển khai, chúng tôi lồng ghép, đưa ra những vụ án có tính chất điển hình, từ đó các đại biểu có điều kiện hiểu biết thêm về pháp luật cũng như hiểu được chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.
Ba là: Để tạo sự phối hợp thống nhất trong nhận thức và vận dụng văn bản pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các ngành có liên quan đến hoạt động tố tụng được tổ chức thực hiện tốt đảm bảo được yêu cầu, chúng tôi đã tích cực xây dựng ban hành nhiều quy chế phối hợp trong hoạt động đến chức năng của Ngành, đã xây dựng 06 Quy chế phối hợp:
1. Quy chế về phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân;
2. Quy chế về phối hợp giải quyết tốt án tai nạn giao thông giữa Viện kiểm sát nhân dân, Công an thành phố Cần Thơ;
3. Quy chế về phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa Viện kiểm sát, Công an, Thanh tra, Cục Hải Quan, Cục Thuế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ;
4. Quy chế về phối hợp liên ngành trong trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giữa Sở Tư pháp, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Cục Thi hành án Cần Thơ;
5. Quy chế về việc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ;
6. Quy chế về phối hợp trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật giữa Viện kiểm sát với Tòa án thành phố Cần Thơ.
Hàng năm qua kết quả tình hình hoạt động kiểm sát, Ban Cán sự Đảng giao nhiệm vụ thực hiện chuyên đề 07 cho phòng nghiệp vụ.
1. Chuyên đề “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014”;
2. Chuyên đề “Nâng cao trách nhiệm chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án về tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định tại Điều 248, Điều 249 Bộ luật hình sự”;
3. Chuyên đề: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”;
4. Chuyên đề “Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự về tội Hiếp dâm, Hiếp dâm trẻ em - Thực trạng và giải pháp”;
5. Chuyên đề “Án hình sự bị hủy, sửa án - Thực trạng và giải pháp” và chuyên đề “Đánh giá nguyên nhân tình hình tội phạm giết người có tính chất dã man, man rợ và gây hoang mang trong quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Đặc biệt chúng tôi xây dựng 2 chuyên đề lớn, tổ chức hội nghị cho đối tượng là kiểm sát viên, điều tra viên của 2 cấp thành phố Cần Thơ thống nhất giải quyết những vi phạm tố tụng kéo dài đó là:
1. Chuyên đề “Bắt, tạm giữ, trả tự do - Thực trạng và giải pháp”;
2. Chuyên đề “Lạm dụng bắt quả tang - Thực trạng và giải pháp”
Về hiệu quả cho ta thấy công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày được nâng cao, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các trường hợp bắt, tạm giữ đều chuyển tạm giam, hạn chế thấp nhất trả tự do, xử lý hành chính, quyết định truy tố đúng người đúng tội.
Hoạt động công tố gắn chặt với hoạt động điều tra, chủ động, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, tăng cường trực tiếp hỏi cung bị can, nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, tử thi... đề ra yêu cầu điều tra, hạn chế được việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không xãy ra trường hợp “oan, sai, bỏ lọt tội phạm” .
Kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, nhất là công tác kiến nghị phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn.
Hằng năm, số vụ án mà Viện kiểm sát hai cấp kiểm sát đều tăng nhưng số vụ án bị hủy, sửa đều giảm; đã phát hiện nhiều vi phạm từ đó kháng nghị, kiến nghị, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân góp phần thực hiện hiệu quả trong ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chúng ta tự tin khẳng định rằng Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhằm xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đát nước, hội nhập quốc tế.
2. Định hướng tiếp theo
2.1.Tổ chức 3 hội nghị chuyên đề:
2.1.1.Những khó khăn vướng mắc trong công tác giám định pháp y tâm thần và định giá tài sản, trong giải quyết vụ án hình sự.
2.1.2. Hội nghị nhận dạng các vi phạm Ban hành quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân 2 cấp thành phố Cần Thơ.
2.1.3. Xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.
Kiến nghị:
1. Những định hướng hoàn thiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nghị quyết 48 vẫn còn nhiều giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.
2. Theo yêu cầu của Nghị quyết xây dựng và hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo hướng bảo đảm thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Nghiên cứu hướng tới chuyển thành viện công tố, trong điều kiện hiện nay chưa đảm bảo tính khách quan, đó là pháp luật nước ta chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, nhận thức pháp luật còn chờ hướng dẫn, thiếu tính khả thi. Cơ quan điều tra hiện nay thực hiện chức năng kết hợp chặc chẽ giữa điều tra trinh sát với hoạt động tố tụng, dễ dẫn đến chủ quan phiến diện, xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung cao. Đồng thời, Viện kiểm sát cũng phải thay đổi mô hình “thông khâu” như hiện nay sẽ vấp phải như cơ quan điều tra, nên thực hiện “chuyên khâu”.