Trước đó, ngày 01/8/2006, Ngân hàng cho ông Đ vay số tiền 130.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 6439/HĐTD-CN và phụ lục hợp đồng tín dụng số 25/2008/PL-HĐ ngày 20/4/2008, thời hạn vay 36 tháng. Mục đích vay để đào ao nuôi cá, sản xuất lúa và xây dựng nhà. Lãi suất trong hạn 1,75%/tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Đến ngày 04/8/2006, Ngân hàng đã giải ngân đủ số tiền vay 130.000.000 đồng. Hợp đồng tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của ông Đ, thể hiện tại hợp đồng thế chấp tài sản số 6439/2006/HĐTC ngày 01/8/2006, hợp đồng thế chấp đã được đăng ký thế chấp ngày 03/8/2006 tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện V.
Quá trình vay vốn, ông Đ không thực hiện được việc thanh toán như hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng nên ngày 12/5/2020, Ngân hàng tiến hành kiểm tra sau cho vay và yêu cầu ông Đ thanh toán dứt điểm toàn bộ các khoản nợ nhưng ông Đ vẫn không thanh toán. Vì vậy, Ngân hàng khởi kiện, yêu cầu ông Đ trả tổng số tiền 547.645.132 đồng; trong đó, nợ gốc 0 đồng, lãi trong hạn 42.072.632 đồng và lãi quá hạn 505.572.500 đồng.
Tại Bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 24/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện C tuyên xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc ông Đ và bà V phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng tổng số tiền theo hợp đồng tín dụng là 547.645.132 đồng. Trong đó, lãi trong hạn 42.072.632 đồng, lãi quá hạn 505.572.500 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phân tích và đánh giá, hợp đồng tín dụng được các bên ký kết đúng theo quy định của pháp luật. Về lãi suất, hai bên thỏa thuận các khoản lãi và mức lãi suất phù hợp với quy định tại Điều 51 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 và Điều 7, Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Hai bên thỏa thuận hợp đồng thế chấp để bảo đảm cho khoản vay của bên vay với Ngân hàng đúng theo quy định tại các Điều 318, 319, 323, 340, 342, 343, 344 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Sau khi ký kết hợp đồng, các bên đã thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm và hiện tại không có tranh chấp gì về hợp đồng thế chấp này. Do đó, hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật, các bên phải tuân thủ theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu ông Đ không thanh toán số tiền còn nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp của ông Đ để thu hồi nợ. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng là có căn cứ.
Tuy nhiên, hợp đồng tín dụng kết thúc ngày 04/8/2009, ông Đ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nên căn cứ Điều 429 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày 05/8/2009 đến ngày 05/8/2012. Ngày 14/5/2021, Ngân hàng mới khởi kiện là đã hết thời hiệu. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại mục 2 phần III văn bản số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao thì Ngân hàng có thể khởi kiện ông Đ yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc). Ngày 17/4/2022, ông Đ đã thanh toán dứt điểm nợ gốc 130.000.000 đồng, chưa thanh toán lãi, nên cần buộc ông Đ thanh toán lãi trong hạn tương ứng với thời gian vay chưa trả theo hợp đồng và lãi suất quá hạn trong thời hạn 03 năm, tính từ ngày tiếp theo ngày kết thúc hợp đồng tín dụng đến ngày cuối cùng của thời hạn khởi kiện tranh chấp về hợp đồng. Vậy, tổng số tiền lãi ông Đ phải thanh toán cho Ngân hàng là 171.701.382 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Đ thanh toán cho Ngân hàng tổng số tiền lãi là 547.645.132 đồng là chưa phù hợp, đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông Đ trả cho Ngân hàng tổng số tiền lãi là 171.701.382 đồng.
Phát biểu của Kiểm sát viên được Hội đồng xét xử chấp nhận, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc ông Đ trả cho Ngân hàng tổng số tiền lãi 171.701.382 đồng.