Tại Điều 8 của Tuyên bố về phát triển và tiến bộ xã hội, năm 1969 được Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết 2542, ngày 11/12/1969 có nêu lên 01 trong những nguyên tắc là “Mọi chính phủ có vai trò tiên quyết và trách nhiệm cơ bản trong việc đảm bảo tiến bộ xã hội và hạnh phúc cho nhân dân của mình, trong việc đưa ra các biện pháp phát triển xã hội như là một phần của kế hoạch phát triển tổng hợp, động viên và phối hợp cũng như tập trung mọi nỗ lực trong nước nhằm mục đích này, đề xuất những thay đổi cơ cấu xã hội cần thiết. Đối với việc hoạch định các biện pháp phát triển xã hội, cần xem xét đầy đủ sự đa dạng của nhu cầu ở khu vực phát triển, đang phát triển, khu vực thành thị, nông thôn”.
Do đó, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội luôn là một chủ trương lớn của Đảng, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Kế thừa kết quả đạt được qua các kỳ đại hội, trong văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Theo quan điểm của Đảng, thực chất của đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội là giải quyết hài hòa giữa phát triển đất nước với thực hiện chính sách xã hội, đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; là quan tâm đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của con người, trên tinh thần tất cả vì con người, cho con người. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, trong công tác lãnh đạo của Đảng qua 35 năm đổi mới ở nước ta đã đạt một số kết quả nổi bật như:
- Tạo dựng môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới. Hiến pháp và hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
- Thực hiện gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đã làm cho tính tích cực, năng động của con người được khơi dậy, phát huy. Nhờ vậy, các giai tầng xã hội và các chủ thể kinh tế tự do, tự chủ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
- An sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và hỗ trợ xã hội được cả hệ thống chính trị quan tâm, đông đảo nhân dân hưởng ứng. Chính sách bảo trợ, hỗ trợ xã hội có nhiều tiến bộ. Trong đại dịch Covid-19, Nhà nước dành nhiều nguồn lực, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng...Bảo hiểm xã hội được mở rộng với nhiều loại hình; phạm vi, đối tượng bảo hiểm ngày càng gia tăng; cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm được đổi mới và từng bước hoàn thiện theo hướng phù hợp.
- Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Hệ thống y tế được tổ chức đến tận cơ sở xóm, ấp, thôn, bản không những phát huy tốt hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà trong nhiều lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật khám, điều trị, chữa bệnh đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới, nhất là kỹ thuật ghép chi, ghép tạng và sản xuất vắc-xin, kể cả vắc-xin phòng Covid-19...
Rõ ràng, chủ trương của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện để các giai cấp, tầng lớp nhân dân với đặc điểm, nhu cầu đa dạng, phong phú đều có cơ hội đóng góp cho đất nước; đồng thời, được thụ hưởng xứng đáng, phù hợp với thành quả phát triển từ các chính sách kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu nổi bật nêu trên, vẫn còn một số hạn chế như: chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; mô hình tổ chức, quản lý; hiệu quả quản lý xã hội còn hạn chế, bất cập. Giảm nghèo chưa bền vững; một bộ phận người nghèo, xã nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Giáo dục, y tế ở miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có mặt còn hạn chế. Thuốc chữa bệnh, giao thông, lao động, thực phẩm chưa thực sự an toàn. Tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ ở nhiều nơi. Nguyên tắc phân phối theo lao động chưa được thực hiện triệt để; chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội chưa thật sự hiệu quả; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hoà..
Những hạn chế, bất cập đó cho thấy, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội chưa đồng bộ, tương xứng, hài hòa với phát triển chính trị, văn hóa.
Thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Mặc dù Đại hội XIII của Đảng đã định hướng nhiều nội dung, phương hướng và giải pháp cơ bản đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới. Điều đó phản ánh sâu sắc tư duy mới của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội hiện nay, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, tuy nhiên cần được nhận thức một cách đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả cao hơn.