Trong thời gian vừa qua, thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19 khủng khiếp nhất lịch sử, đã lấy đi sự sống của hơn 6,6 triệu người trên toàn cầu. Covid-19 khởi nguồn vào cuối tháng 12/2019 với tâm dịch đầu tiên tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc đại lục, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân, sau đó lan rộng ra toàn Trung Quốc và toàn thế giới.
Chính phủ các quốc gia trên thế giới và cũng như ở Việt Nam đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam để đối phó với đại dịch, các nhà khoa học và đội ngũ y, bác sĩ không ngừng ngày đêm nghiên cứu để bào chế ra vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị bệnh. Đến năm 2021, sau thời gian khẩn trương nghiên cứu, Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot (là quy mô lớn hơn so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất).
Trong số các thuốc điều trị SARS-CoV-2, thì Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu, dùng theo đường uống, hiện đang trong các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Điều này đã khẳng định được năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học, đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 còn phức tạp. Qua đó, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm của người Việt nam đối với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 theo chủ trương chung của Đảng và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được Việt Nam khống chế tốt, số người mắc bệnh giảm, số lượng người tử vong do mắc bệnh Covid-19 thấp.
Do đó, để tôn vinh những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ từ trước đến nay, Việt Nam lấy ngày 27/02 hàng năm là ngày Thầy thuốc Việt Nam[1] nhằm ghi nhận những cống hiến, đóng góp, hy sinh to lớn của đội ngũ y, bác sĩ vào việc bảo vệ sức khoẻ của con người, cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển./.
[1] Vào ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Do đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y tế và Bộ Y tế đã lấy ngày 27 tháng 2 là ngày truyền thống của ngành. Ngày 06 tháng 02 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định ngày 27 tháng 2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam nhằm nêu cao trách nhiệm của đội ngũ Y tế.