Theo VKSND tối cao, mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) trong tổ chức triển khai, thực hiện phong trào thi đua tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và vận động giúp đỡ người nghèo. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Đồng thời, phát hiện, cổ vũ, động viên, tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu, có nhiều đóng góp, sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua.
Yêu cầu đặt ra là việc khen thưởng phải đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan gắn với kết quả thực hiện Phong trào thi đua.
Công tác bình chọn, xét khen thưởng được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có nhiều nỗ lực, phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, thực sự có tác dụng giáo dục, nêu gương, có phạm vi ảnh hưởng, có sức lan tỏa trong ngành, lĩnh vực, địa phương và trên toàn quốc.
Đối tượng khen thưởng đối với tập thể là Vụ và tương đương; phòng và tương đương tại các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; Văn phòng, Viện nghiệp vụ; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh); phòng thuộc VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện.
Đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND.
Hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; Giấy khen.
Về tiêu chuẩn xét tặng, Hướng dẫn nêu rõ: Đối với tập thể, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn vị tiêu biểu, dẫn đầu trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn theo các chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch và đạt tiêu chuẩn cụ thể.
Theo đó, đối với phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Trợ giúp xã hội đối với người nghèo không có khả năng lao động.
Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nêu gương, được bình xét trong phong trào thi đua; chủ động, tích cực huy động nguồn lực trong xã hội, hỗ trợ vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn; đề ra các nội dung, giải pháp, sáng kiến hiệu quả, mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng, thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương.
Tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, chia sẻ kinh nghiệm giúp cho người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong vận động, giúp đỡ người nghèo, huyện nghèo, xã hoặc thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc đặc biệt khó khăn (có địa chỉ và kết quả cụ thể).
Đối với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua; tích cực tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, người lao động và người dân thực hiện phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về xây dựng nông thôn mới.
Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nêu gương, được bình xét trong Phong trào thi đua; có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong tổ chức, triển khai phong trào thi đua.
Tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, có những đóng góp cụ thể, thiết thực được cấp có thẩm quyền ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới (có địa chỉ và kết quả cụ thể).
Thực hiện tốt tiêu chí quốc phòng, an ninh, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương: giải quyết dứt điểm những điểm nóng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; không để xảy ra khiếu kiện đông người kéo dài trái pháp luật; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội.
Đối với cá nhân: Gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt tiêu chuẩn cụ thể đối với từng phong trào.
Theo đó, đối với phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua với những việc làm thiết thực hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo; có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong triển khai phong trào và được bình xét trong phong trào thi đua.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025:
Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua với những việc làm thiết thực (đóng góp tiền của, công sức, đất đai...) hoặc cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới và được bình xét trong phong trào thi đua.
Cũng theo VKSND tối cao, để việc khen thưởng phản ánh đúng thực chất, có tác dụng động viên, thúc đẩy phong trào thi đua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành KSND chỉ xem xét và đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời có những đóng góp thiết thực, cụ thể về sức người, sức của trong việc xây dựng nông thôn mới, vận động giúp đỡ người nghèo... được nêu trong báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng đối với 2 phong trào nêu trên.
Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn còn đề cập đến việc khen thưởng hàng năm (gồm: Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; Giấy khen); Khen thưởng sơ kết vào năm 2023 (Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; Giấy khen); Khen thưởng tổng kết vào năm 2025 (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; Giấy khen); thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng…
Về thời gian đề nghị khen thưởng, Hướng dẫn nêu rõ: Hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao, Giấy khen, thời điểm xét khen thưởng tính từ 1/6 năm trước đến 31/5 năm sau và gửi về Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao để tổng hợp, trước ngày 10/6 hàng năm. Hồ sơ đề nghị khen thưởng sơ kết Phong trào thi đua gửi về Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao để tổng hợp, trước ngày 10/6/2023. Hồ sơ đề nghị khen thưởng tổng kết Phong trào thi đua gửi về Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao để tổng hợp, trước ngày 31/7/2025.