Trong các vụ án tranh chấp ly hôn, ngoài việc các bên đương sự xin ly hôn, tranh chấp chia tài sản chung, nợ chung thì tranh chấp quyền nuôi con cũng là dạng tranh chấp trong hầu hết các quan hệ hôn nhân mà Tòa án thụ lý, giải quyết, bởi cả cha và mẹ đều mong muốn là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung khi các bên ly hôn.Điển hình qua các vụ án:
Vụ thứ nhất: vụ án tranh chấp ly hôn, nuôi con chung giữa nguyên đơn bà Lê Thị K và bị đơn ông Lê H.V. Nội dung vụ án thể hiện, bà K và ông V tự nguyện tiến đến hôn nhân, có đăng ký kết hôn vào năm 2016. Quá trình chung sống hạnh phúc và có 01 con chung tên Nguyễn L.N, sinh ngày 15/5/2017 (nữ). Sau hơn một năm cả hai phát sinh mâu thuẫn, ông V cho rằng bà K có quan hệ bất chính, còn bà K cho rằng ông V có hành vi bạo hành dẫn đến mâu thuẫn các bên ngày càng trầm trọng, không thể hàn gắn. Đến ngày 10/7/2020 giữa bà K và ông V kí bản tự nguyện cam kết về vấn đề hôn nhân, tài sản chung và con chung. Sau khi thỏa thuận bà K rời khỏi nhà ông V và để con chung là cháu N cho ông V nuôi dưỡng. Đến ngày 14/8/2020, bà K khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn với ông V, yêu cầu được nuôi con chung là cháu N, sinh ngày 15/5/2017 (nữ), không yêu ông V cấp dưỡng nuôi con.
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về vấn đề hôn nhân và giao con chung là cháu N cho ông V nuôi dưỡng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn bà K có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét để bà được nuôi con chung là cháu N, do ông V đã có hành vi cản trở bà chăm sóc, thăm nom đối với con chung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và 02 Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đã cung cấp các chứng cứ (hình ảnh) để chứng minh việc bị đơn đã có hành vi cản trở, không cho bà chăm sóc, thăm nom đối với con chung. Và phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cũng đã cung cấp được các chứng cứ, lời khai nhân chứng để chứng minh ông V không có hành vi căn trở việc thăm con của bà H và chứng minh việc cháu bé nếu được ông V nuôi dưỡng sẽ có cuộc sống tốt ở hiện tại và cả tương lai, thể hiện qua các hình ảnh cuộc sống hiện tại của bé tại nhà, nơi học và chứng minh được bị đơn đã chăm sóc, yêu thương con chung qua những hành động cụ thể nhằm đảm bảo cho bé có cuộc sống tốt cả về vật chất và tinh thần. Qua các chứng cứ thu thập được ở giai đoạn phúc thẩm, kết quả tranh luận tại phiên tòa, quan điểm của Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử đã thống nhất đi đến phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm, tiếp tục giao con chung là cháu N, sinh ngày 15/5/2017 (nữ) cho bị đơn ông V nuôi dưỡng.
Vụ án đã kết thúc, đó là kết quả kiên trì của những người trong cuộc để dành quyền nuôi dưỡng đối với con chung và là kết quả của sự cân nhắc, đắn đo giữa lý và tình để đi đến một phán quyết khác với thông lệ - Giao con chung là bé gái để cha nuôi dưỡng.
Vụ thứ hai: Tranh chấp ly hôn nuôi con chung giữa nguyên đơn bà Trần T.V và bị đơn ông Vương V.C, tự nguyện tìm hiểu và tiến đến hôn nhân và có đăng ký kết hôn theo quy định. Thời gian đầu chung sống hạnh phúc nhưng khi sinh con thứ hai thì ông C không tu chí làm ăn lo cho gia đình, vợ con. Mặc dù bà V nhiều lần nhắc nhở mong thay đổi nhưng ông C vẫn không thay đổi mà còn đánh đập bà. Do không còn tình cảm và mâu thuẫn nên bà V yêu cầu được ly hôn với ông C. Về con chung bà và ông C có 02 người con chung là Vương T.A (nữ) sinh ngày 01/4/2009 và Vương T.P (nam) sinh ngày 30/11/2016, bà V yêu cầu được trực tiếp nuôi hai con chung và không yêu cầu ông C cấp dưỡng nuôi con.
Ngày 30/03/2021, Tòa án nhân dân huyện T tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V về vấn đề ly hôn, giao 02 con chung cho bà V nuôi dưỡng. Ông C kháng cáo yêu cầu được nuôi dưỡng cháu Vương T. P (nam) sinh ngày 30/11/2016.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà V trình bày kể từ khi tòa sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu cho bà được chăm sóc hai con chung, bà ở nhà cha mẹ ruột cùng với 02 con, ông C đến đón cháu Vương T. P (nam) sinh ngày 30/11/2016 về nhà thăm ông bà nội và giữ lại chăm sóc được hơn một năm, nay bà không đồng ý giao cháu P cho ông C nuôi dưỡng. Ông C cho rằng ông có nhà và nguồn thu nhập ổn định, hiện tại cháu P được ông chăm sóc tốt, cháu cũng đã quen với môi trường sống tại nhà ông, hơn nữa cha mẹ ông là ông bà nội của cháu P rất yêu thương cháu vì trước đây có 02 cháu A và cháu P cùng sống chung nhà, nay vì ly hôn nếu 02 cháu cùng sống với mẹ thì ông bà rất suy sụp tinh thần nên ông C yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo cho ông được quyền nuôi con chung là cháu Vương T. P (nam) sinh ngày 30/11/2016. Hội đồng xét xử đã hỏi các bên về tình trạng hiện tại của cháu P, bà V và ông C đều cho rằng hiện tại cháu sống khỏe mạnh, phát triển bình thường, đã quen với môi trường sống mới, sau khi nghe Hội đồng xét xử giải thích thêm về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con chung chưa thành niên, bà V và ông C đã thỏa thuận tại phiên tòa bà V giao cho ông C nuôi dưỡng cháu P, bà V nuôi dưỡng cháu A, không ai phải cấp dưỡng nuôi con. Tòa án cấp phúc thẩm tuyên sửa án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của ông C và bà V về việc nuôi con chung. Việc các đương sự thỏa thuận quyền nuôi con là kết quả mong muốn của Hội đồng xét xử, bởi điều này tránh được việc phải thi hành bản án giao con chung theo phán quyết của tòa án, chưa kể nếu các bên không tự nguyện thi hành phải cưỡng chế thi hành án giao con thường sẽ gặp nhiều khó khăn vì đối tượng thi hành là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương về tâm lý cần phải được bảo vệ.
Trong thực tiễn xét xử đối với những vụ án tranh chấp nuôi con chung, Hội đồng xét xử luôn tuân thủ nguyên tắc “bảo vệ phụ nữ”. Do đó, hầu hết các vụ án ly hôn khi tranh chấp quyền nuôi con, Hội đồng xét xử thường quyết định giao con chung cho người vợ (người vợ được trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn), đặc biệt đối với con chung là bé gái, vì việc giao cho mẹ chăm sóc bé gái sẽ thuận lợi hơn trong quá trình phát triển tâm sinh lý sau này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp Hội đồng xét xử quyết định giao quyền nuôi con chung là bé gái cho cha nuôi dưỡng, chăm sóc như trường hợp vụ án trên.
Theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chung chưa thành niên, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức. Do đó, khi xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con chung, tùy từng trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Hội đồng xét xử sẽ xem xét, cân nhắc quyết định giao con chung cho người nuôi dưỡng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của trẻ, tránh làm xáo trộn môi trường sống cũng như ảnh hưởng đến tâm lý phát triển bình thường của trẻ sau này.