Nội dung vụ án: Ngày 20/5/2017, chồng bà là ông D đến gặp bà U, ông Q bàn bạc, thỏa thuận việc khôi phục lại hiện trạng quyền sử dụng đất ban đầu nhưng bà U kêu con cháu ra ngăn cản, đe dọa không cho thực hiện trên phần đất đã được công nhận là 15 m2. Bằng cách tháo dỡ phần che chắn tạm trên phần đất của bà, vì vào năm 2003 bà có cho bà U, ông Q che chắn để sử dụng tạm, khi nào bà có nhu cầu sử dụng thì ông Q, bà U phải tháo dỡ phần xây dựng tạm. Nay yêu cầu bà U, ồng Q phải tháo dỡ nhà tạm trả lại diện tích ngang khoảng 2.4 m2, dài khoảng 7.2m2 (khoảng 15 m2 = 40.000.000 đồng).
Bị đơn cho rằng, vợ chồng bà chuyển nhượng đất cho bà C vào năm 2003, do thiếu nợ nên giấu con cháu trong gia đình, chuyển nhượng để trả nợ nên chỉ có vợ chồng bà ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng. Khi nào bà C xây dựng nhà thì sẽ tháo dỡ phần che tạm, không đồng ý cho bà C xây dựng hết phần đất trên vì đây là lối đi chung, thời điểm chuyển nhượng có thỏa thuận chừa lối đi ngang 2,4m dài 7,2m, do tin tưởng nên giao cho ông D, bà C làm giấy tờ. Từ khi chuyển nhượng đến nay, vợ chồng bà C không trực tiếp sử dụng, quản lý mà do bà quản lý thay, khoảng 2-3 tháng thì ông bà đến kiểm tra xem chừng. Tháng 6/2017, vợ chồng bà C bơm cát xây dựng nhà, bà mới phát hiện ông D làm giấy luôn phần đất ngang 2,4m, dài 7,2m.
Theo đơn yêu cầu độc lập của bà M, bà Ng, bà K, bà H, ông H, ông Đ, ông T, chị H trình bày: các đương sự là con, cháu cùng hộ khẩu với bà U, ông Q và cùng sở hữu quyền sử dụng đất tọa lạc khu vực 1, phường An Bình. Tháng 4/2013, bà U và ông Q ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà C 95 m2 mà các đương sự hoàn toàn không hay biết và cũng không có ký tên trong bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc chuyển nhượng đất cho bà C. Vì vậy, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giữa bà U và ông Q với bà C, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà C.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng vô hiệu do giả tạo nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu độc lập của những người liên quan, tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký kết ngày 24/4/2003, giữa bà Lê Thị U, ông Huỳnh Văn Q với bà Hồ Thị Hồng C là vô hiệu. Ngoài ra bản án còn tuyên phần án phí, các chi phí khác và quyền kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Ngày 12/11/2021, bà Hồ Thị Hồng C kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên nhận định: Hợp đồng được ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện; người tham gia giao kết có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của hợp đồng không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội; đất chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong thời hạn sử dụng; đất không tranh chấp; bên chuyển nhượng có đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng có đủ điều kiện về nhận chuyển nhượng; hợp đồng chuyển nhượng được lập thành văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; bà C đã giao tiền, nhận đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù thửa đất số 31 cấp cho hộ bà U và thời điểm xác lập giao dịch, chỉ có vợ chồng ông Q, bà U ký tên, các thành viên khác trong hộ không ký tên nhưng giao dịch đã thực hiện xong, từ khi bà C được cấp giấy chứng nhận đến khi phát sinh tranh chấp, các con bà U và ông Q không có ý kiến phản đối. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng vô hiệu do giả tạo là chưa phù hợp, vì giao dịch giả tạo là giao dịch được các bên xác lập nhằm che giấu một giao dịch khác, còn trong vụ án này, giữa bà C và vợ chồng bà U, ông Q chỉ xác lập một giao dịch duy nhất là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không còn giao dịch nào khác. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C là chưa phù hợp.
Vì vậy tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS năm 2015, sửa bản án sơ thẩm số 123/2021/DS-ST ngày 04/11/2021 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, theo hướng chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên có đầy đủ cơ sở pháp lý, phân tích kỹ càng các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án nên được Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ.
Việc thường xuyên tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp không chỉ nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án mà còn giúp nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát, giải quyết án.