Quyết định số 343/QĐ-VKSTC nêu rõ, công nhận 180 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 (đợt 2) đối với 542 tác giả, đồng tác giả (có danh sách kèm theo).
Trong đó, Vụ 3 - VKSND tối cao với sáng kiến: “Giải pháp tham mưu Ban cán sự đảng VKSND tối cao thực hiện Kế hoạch số 18-KH/BCĐTW ngày 23/3/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực”.
Vụ 5 - VKSND tối cao với một số sáng kiến như: “Xây dựng Phiếu kiểm sát trong công tác kiểm tra Cáo trạng của Viện kiểm sát cấp dưới nhằm nâng cao chất lượng bản Cáo trạng đảm bảo việc truy tố các tội phạm về tham nhũng, chức vụ có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”; Thực trạng, nguyên nhân dẫn đến các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong 05 năm (2015 - 2020); các giải pháp khắc phục…
Vụ 8 - VKSND tối cao với sáng kiến “Kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, thực trạng và giải pháp”; Vụ 15 - VKSND tối cao với sáng kiến: Chuyên đề về việc tham mưu Ban cán sự đảng VKSND tối cao báo cáo chuyên đề "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ngành Kiểm sát nhân dân"…
Theo Quy chế xét, công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-VKSTC ngày 19/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định, sáng kiến là những giải pháp về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công nhận.
Nội dung sáng kiến liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, bao gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành; công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật; các hoạt động khác của ngành Kiểm sát nhân dân.
Sáng kiến được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công nhận phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như không trùng với sáng kiến của người khác đã được công nhận hoặc đã được áp dụng; đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực; có tính mới hoặc giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác cụ thể của cơ quan, đơn vị. Hình thức của sáng kiến bao gồm: Giải pháp; Đề án, đề tài; Chuyên đề.
Trước đó, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân, ngày 17/6/2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-VKSTC về công nhận 35 sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 (đợt 1). Như vậy, tổng số sáng kiến được công nhận 2 đợt là 215 sáng kiến.
Xem toàn văn nội dung Quyết định và danh sách sáng kiến đợt 2 năm 2022 được công nhận tại đây: sang-kien.pdf