Ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội thông tin như vậy tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 5-4.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chia sẻ thông tin: Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt dịch vụ công trực tuyến mức 3 và mức 4 đã tăng nhanh về số lượng dịch vụ và hồ sơ được trực tuyến.
Theo Báo cáo từ Liên Hợp Quốc, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.
Cũng trong báo cáo này, chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0, 57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu nâng cao chỉ số chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và lên thứ 70 vào năm 2020 thì còn rất nhiều việc phải làm. Đây là vấn đề được các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia tại hội thảo tập trung thảo luận.
“Cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là CNTT, cần tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó cần phải đi vào thực chất và làm thực chất chứ không phải mang tính phong trào”- Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo các ý kiến được trao đổi tại hội thảo, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ tạo ra cơ hội mà còn nhiều thách thức mới trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử.
Do đó, Chính phủ và Bộ ngành các cấp cần quyết tâm cao độ hơn nữa trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ dân sinh song hành với việc xây dựng thành phố thông minh, bảo đảm an ninh bảo mật.