Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Nghị quyết đã đề cập nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đó, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Để thực hiện Nghị quyết nêu trên, ngày 15/12/2021, liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ tư pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thông tư đã quy định rất rõ trách nhiệm của Thẩm phán trong việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến; Phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 03 điểm cầu thành phần và phải đảm bảo yêu cầu cụ thể trong từng trường hợp đối với phiên tòa dân sự, hành chính cũng như phiên tòa hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát, cơ sở giam giữ…, thành phần tham gia, yêu cầu tham gia cũng như trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến. Như vậy với các cơ sở pháp lý nêu trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương xem xét, quyết định và tổ chức xét xử các phiên tòa trực tuyến.
Trong tháng 9 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức được 08 phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết 33 của Quốc hội. Các phiên tòa đưa ra xét xử trực tuyến đã diễn ra thành công và được đánh giá cao cả về công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện. Phiên tòa diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự, chất lượng hình ảnh rõ nét, đường truyền, âm thanh đảm bảo; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử.
Tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn. Qua xét xử trực tuyến đã tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại cho người tham gia tố tụng cũng như chi phí trích xuất bị cáo, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa. Thông qua hoạt động này cũng tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành Viện kiểm sát và Tòa án trong công tác xét xử để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến không chỉ đảm bảo thực hiện chỉ tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đề ra, mà qua đó tiếp tục xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tòa án và Viện kiểm sát; nâng cao chất lượng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo việc số hóa, lưu trữ và bảo quản hồ sơ vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Xét xử trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của tư pháp Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng của pháp luật Việt Nam./.