Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tự phê bình và phê bình trong Đảng. Theo Bác Hồ, “tự phê bình” là bản thân tự soi rọi lại mình, nghiêm khắc, nhìn nhận, công khai khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Sử dụng vũ khí “Tự phê bình và phê bình” là nghệ thuật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Người yêu cầu đảng viên phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ, bởi “đảng viên tốt thì chi bộ tốt, chi bộ tốt thì Đảng vững mạnh và lãnh đạo cách mạng thắng lợi”.
Bác cũng chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình với người cách mạng là: “Giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Người cách mạng khi thực hiện tự phê bình và phê bình “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”.
Nói ra được những ưu, khuyết điểm của mình để phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, nhất là khi nói về khuyết điểm của mình, bởi vì mọi người thường hay có lòng tự ái. Nếu thừa nhận cái sai, cái kém của mình, sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Do vậy cũng ngại giới thiệu khuyết điểm của mình ra trước mọi người.
Để tự phê bình và phê bình đạt mục đích, yêu cầu đề ra thì vai trò của Chi bộ có ý nghĩa quyết định. Bởi lẽ, chi bộ là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đảng viên. Là nơi đảng viên trực tiếp sinh hoạt, phấn đấu rèn luyện, thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong quá trình đó, mỗi đảng viên phải tự giác, trung thực tự phê bình bản thân mình. Đồng thời, hết sức công tâm, chân thành đóng góp phê bình đối với đồng chí của mình. Nhờ đó, thì tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao...
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thời gian qua, Chi bộ 4 thường xuyên chăm lo xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh, quán triệt đến đảng viên Hướng dẫn số 09-HD/ĐUK ngày 30/11/2018 của Đảng ủy Khối về hướng dẫn một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Công văn số 1021-CV/ĐUK ngày 08/8/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về việc tăng cường thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.
Chi bộ 4 với nhiệm vụ là Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự sơ thẩm về trật tự xã hội là một trong 07 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ.
Trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng, Chi bộ thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Xem đây là việc làm mang tính xây dựng, phát triển nội dung sinh hoạt chi bộ. Vận dụng đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lối làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng đúng hơn, tốt hơn, ưu điểm nhiều hơn, khuyết điểm ít đi.
Do công tác tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên, kịp thời ngăn chặn những hạn chế, khuyết điểm, đã khích lệ đảng viên trong chi bộ phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, tự phê bình cũng như phê bình một cách rất chân tình, thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Để thực hiện tốt hơn nguyên tắc tự phê bình và phê bình góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong sinh hoạt chi bộ, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, quán triệt đảng viên tự nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung, ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Thứ hai, Bác từng nói “tự phê bình và phê bình như rửa mặt hằng ngày” do đó, cần thực hiện nề nếp, duy trì thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt định kỳ tại chi bộ.
Thứ ba, tạo môi trường dân chủ khách quan. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong quá trình tự phê bình và phê bình phải tạo được môi trường lành mạnh, không khí dân chủ thực sự trong sinh hoạt chi bộ.
Thứ tư, nội dung tự phê bình và phê bình phải cụ thể, tập trung vào các vấn đề: về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm...
Thứ năm, ngăn ngừa, loại bỏ những biểu hiện lệch lạc trong tự phê bình và phê bình.
Thứ sáu, gắn giáo dục chính trị tư tưởng với kiểm tra, giám sát và tăng cường kỷ luật Đảng: cần phải kết hợp nêu cao tự giác và kiên trì giáo dục, thuyết phục đấu tranh để đảng viên có sai lầm khuyết điểm tự sửa chữa.
Tóm lại, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt nội bộ Đảng, nhằm giáo dục rèn luyện đảng viên, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đảng ta luôn coi tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, củng cố sự đoàn kết thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng.
Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Thành thật với mình, thành thật với mọi người đó chính là nhân cách, là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình góp phần xây dựng đảng càng trong sạch vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị./.
La Quốc Khánh
Chi bộ 4, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ
Chi bộ 4, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ