
Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ rất quan tâm, chú trọng đến công tác lãnh, chỉ đạo về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngay sau khi được, Ban cán sự Đảng triển khai các Chỉ thị, văn bản của Đảng thì Chi bộ 2 có tổ chức họp triển khai, quán triệt, phổ biến đến toàn thể đảng viên các Chỉ thị và các quy định pháp luật liên quan về công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là các Quy chế và văn bản hướng dẫn của ngành, để toàn thể đảng viên trong chi bộ tiếp thu và thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị.
Trong những năm qua, Đảng ta đã đề ra chủ trương đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; xác định công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách, được thể hiện qua các văn kiện như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014“Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến nghị phản ánh của dân”; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.
Chi bộ 2 đã chỉ đạo Thanh tra – Khiếu tố rà soát phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, có kế hoạch giải quyết và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới giải quyết.
Căn cứ vào Quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Thanh tra – Khiếu tố đã tham mưu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 63/QĐ-VKS ngày 05/10/2021, để phù hợp với đặc điểm địa phương, thuận lợi cho công tác tiếp công dân.
Thực hiện Chỉ thị số 35-TB/TW ngày 26/05/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Chi bộ 2 luôn quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nói chung và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp nói riêng như tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị đến toàn thể lãnh đạo và cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong các chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị…
Trong nhiệm kỳ qua, công tác tiếp công dân luôn được đảm bảo, công dân khi đến được cán bộ tiếp chu đáo, tận tình, hướng dẫn đúng quy định, bày tỏ thái độ hài lòng khi ra về. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, người đứng đầu cấp ủy có bố trí lịch tiếp công dân định kỳ, đối với những trường hợp có yêu cầu gặp lãnh đạo, Thủ trưởng đơn vị luôn sắp xếp thời gian để trực tiếp nghe công dân trình bày với thái độ cầu thị, ân cần và trực tiếp đối thoại với người dân khi họ có yêu cầu. Tất cả các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm kiểm sát giải quyết đều được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ và Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện quan tâm giải quyết kịp thời. Trong quá trình giải quyết khiếu nại luôn đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, tố cáo; khi giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đều tiến hành xác minh thận trọng, bảo đảm có căn cứ.
Trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát thường xuyên theo dõi số đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp đã chuyển đến các cơ quan tư pháp để giải quyết theo thẩm quyền; đôn đốc việc giải quyết đơn theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan tư pháp để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được đảm bảo đúng quy định.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, Chi bộ 2 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đề ra một số giải pháp để thực hiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Bổ sung những quy định thống nhất về phương thức, trình tự biện pháp khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong các Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành án dân sự.
Thứ hai: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/05/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến nghị phản ánh của dân” và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp và Lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt và nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có kinh nghiệm và có ý thức trách nhiệm để làm công tác này. Nâng cao năng lực nghiệp vụ của Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba: Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức tập huấn liên ngành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo trong các cơ quan tiến hành tố tụng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và thông báo rút kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp mình.
Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho Nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân, giúp người dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm: Tập trung rà soát những vụ việc tồn đọng thuộc thẩm quyền, đối những vụ việc đã được xem xét giải quyết nhưng còn khiếu nại thì kiểm tra lại, nếu giải quyết chưa hợp lý thì phải điều chỉnh, sửa chữa theo nguyên tắc: đảm bảo đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng.
Nguyễn Thị Cẩm Tiên
Chi bộ 2, Đảng bộ VKSND thành phố Cần Thơ