Quang cảnh Hội nghị
Ngày 22/6, tại Hội trường trụ sở VKSND TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị “Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế liên quan đến chức vụ”.
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Đinh Công Út, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ thành phố Cần Thơ; Các đồng chí là đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành và các cơ quan nội chính thành phố Cần Thơ: Công an, Tòa án, Cục Thi hành án, Thanh tra, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường và Cục Hải quan.
Đại diện lãnh đạo VKSND TP Cần Thơ có đồng chí Phạm Thanh Từng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng; đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí là Trưởng, Phó phòng và tương đương; các đồng chí là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên thuộc Phòng 1, Phòng 8 và Phòng 11 VKSND TP. Cần Thơ; Các đồng chí là Lãnh đạo; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phụ trách lĩnh vực hình sự VKSND 09 quận, huyện trực thuộc VKSND TP. Cần Thơ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo Chuyên đề “Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế liên quan đến chức vụ giai đoạn 2018 - 2022”. Theo đó, Chuyên đề đã tập trung làm rõ cơ sở pháp lý về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ; Thực tiễn và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế liên quan đến chức vụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ năm 2018 đến nay.
Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là tỷ lệ thu hồi tài sản trong lĩnh vực tham nhũng, chức vụ đạt cao với 91%, so với chỉ tiêu cả nước là 46% tại báo cáo tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tỷ lệ thu hồi tài sản tăng dần theo mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước; điển hình như năm 2018 tỷ lệ thu hồi trong các vụ án tham nhũng là 26,83% đến năm 2022 tỷ lệ tăng lên là 85%. Công tác thu hồi tài sản chủ yếu được đẩy mạnh trong giai đoạn điều tra. Giai đoạn truy tố, chủ yếu thực hiện công tác rà soát lại các biện pháp đã thực hiện, giải thích bị can hiểu về chính sách khoan hồng của pháp luật khi quyết định truy tố để bị can tiếp tục khắc phục khi còn khả năng. Giai đoạn xét xử, các khoản tiền, tài sản được bị cáo và người thân bị cáo nộp chủ yếu liên quan đến mong muốn được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự khắc phục hậu quả, bị cáo nộp tiếp một số tiền nhất định để được Hội đồng xét xử xem xét.Giai đoạn thi hành án dân sự, khi tổ chức thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án hình sự đã tuyên, cơ quan thi hành án đã thực hiện nhiều biện pháp để nhanh chóng giải quyết các tài sản đã được kê biên, đã được tuyên trong bản án.
Trong phần tham luận, Hội nghị đã nghe hai tham luận liên quan đến thực trạng và kinh nghiệm, giải pháp trong công tác thu hồi tài sản đối với án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ của Công an thành phố Cần Thơ và Cục Thi hành án dân sự, thành phố Cần Thơ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đinh Công Út, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Cần Thơ đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị. Qua đó, đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Cần Thơ đề ra một số yêu cầu để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện “Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, trong đó các ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; Thứ hai, đặc biệt quan tâm, chú trọng cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục tố tụng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; Thứ ba, tiếp tục thực hiện “Chỉ thị số 05/ CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các đảng ủy đối với công tác thi hành án dân sự” và “Công văn số 774-CV/TU về việc nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, quản lý chặt chẽ công tác kế toán và quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự”; gắn với thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chức năng Trung ương mà trọng tâm là các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; “Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và “Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt cho Ban cán sự đảng, đồng chí Phạm Thanh Từng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ gửi lời cảm ơn đến đồng chí Đinh Công Út, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Cần Thơ, các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đến tham dự Hội nghị, qua đó thể hiện sự quan tâm, phối hợp sâu sát của các cơ quan hữu quan thành phố đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, trong đó có công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Đồng thời, đồng chí Phạm Thanh Từng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này, trên cơ sở hệ thống lại các căn cứ pháp lý nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Bên cạnh đó, đánh giá lại thực trạng trong công tác này tại địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian qua và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản về công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế và nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Trong đó tập trung vào hai nội dung quan trọng: Một là, vấn đề liên quan đến ý thức, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị để hiểu và đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, cũng như quan tâm đến thủ tục, biện pháp xử lý thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng; Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế…, đáp ứng chủ trương của Đảng, yêu cầu của Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó đóng góp tích cực vào kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.