Hiện nay, công tác tiếp công dân được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ xác định là nhiệm vụ quan trọng: bố trí địa điểm tiếp công dân theo đúng quy định tại Điều 19 Luật tiếp công dân, có treo bảng Nội quy tiếp công dân và Lịch tiếp công dân hàng ngày đúng theo quy định. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này và nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-VKS ngày 05/10/2021 về việc ban hành Nội quy tiếp công dân, được áp dụng trong phạm vi Viện kiểm sát nhân dân 02 cấp thành phố Cần Thơ. Trong những năm qua, chất lượng công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp từng bước nâng cao, không để xảy ra trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ quan, địa phương, công dân khi đến được cán bộ tiếp chu đáo, tận tình, hướng dẫn đúng quy định, bày tỏ thái độ hài lòng khi ra về. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như việc tiếp công dân, hướng dẫn hoặc giải thích pháp luật tại cấp cơ sở đôi khi chưa được đầy đủ để công dân hiểu và thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo, phần nào làm mất lòng tin của công dân dẫn đến có nhiều công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Để công tác tiếp công dân được thực hiện một cách hiệu quả cần đòi hỏi Kiểm sát viên phải sử dụng rất nhiều kỹ năng bao gồm: kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phân định và xử lý tình huống, kỹ năng đối thoại, kỹ năng ghi chép… Tuy nhiên, khi nào thì sử dụng kỹ năng nào và sử dụng như thế nào thì lại đòi hỏi Kiểm sát viên phải có sự linh hoạt, khéo léo trong việc ứng biến và phối kết hợp vận dụng một cách hợp lý. Quá trình tiếp công dân có thể tạm chia thành 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 (tiếp xúc ban đầu): Trước hết, Kiểm sát viên phải sử dụng kỹ năng quan sát để bước đầu nắm bắt được một số thông tin của công dân như sau:
Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo: Nếu từ 02 người trở lên thì họ có cùng đến vì một nội dung vụ việc không. Nếu không thì phải xác định người đến trước và người đến sau để đảm bảo thứ tự tiếp. Đối với nhiều người cùng chung một vụ việc thì xác định ai sẽ là người trình bày; đối với đoàn đông người phải xác định người sẽ đại diện trình bày, đồng thời sắp xếp ổn định trật tự cho các công dân còn lại.
Một số đặc điểm của công dân như độ tuổi; giới tính để sử dụng ngôn từ xưng hô cho phù hợp. Nếu có thể, Kiểm sát viên có thể cảm nhận ban đầu về thái độ và biểu cảm của công dân để có một số biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ngay từ ban đầu. Khi tiếp xúc, Kiểm sát viên phải có thái độ đón tiếp niềm nở, đúng mực, chân thành. Đối với trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích thì kịp thời phối hợp với lực lượng an ninh, bảo vệ để linh động, khéo léo trong việc xử lý tình huống, nếu thấy cần thiết, có thể thông báo từ chối tiếp công dân theo quy định.
Theo quy định tại các Điều 6, Điều 17; Điều 26 Quy trình tiếp công dân 249, việc đầu tiên sau khi tiếp xúc ban đầu đối với công dân, Kiểm sát viên phải xác định thông tin cá nhân của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thông qua việc yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ, giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ để xác định quyền khiếu nại, tố cáo (giấy uỷ quyền; thông báo bào chữa; văn bản chứng minh cho việc đại diện; văn bản khác…). Bên cạnh việc kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản trên, Kiểm sát viên còn phải xác định được phạm vi quyền khiếu nại, tố cáo của họ như uỷ quyền về vấn đề gì, trong khoảng thời gian hay giai đoạn tố tụng nào; uỷ quyền để làm việc với các cơ quan, tổ chức nào… Đối với các trường hợp sau khi kiểm tra thấy không có giấy uỷ quyền hợp lệ hoặc không đúng theo quy định thì không tiếp nhận hồ sơ vụ việc nhưng cần giải thích lý do và hướng dẫn cho công dân thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.
Giai đoạn 2 (tiếp nhận thông tin): Kiểm sát viên phải phối hợp sử dụng nhiều kỹ năng ở giai đoạn này, như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng đặt câu hỏi để đảm bảo nắm bắt một cách nhanh nhất nội dung vụ việc bao gồm: Mục đích của người đến nộp đơn là khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị phản ánh; địa điểm, thời gian phát sinh vụ việc; đối tượng bị khiếu nại, tố cáo, phản ánh; nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và thẩm quyền giải quyết; quá trình giải quyết (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh; Thời hạn, thời hiệu giải quyết đối với yêu cầu, đề nghị đó. Trong quá trình tiếp nhận thông tin, Kiểm sát viên phải vận dụng kỹ năng ghi chép, phản ánh thông tin công dân đến khiếu nại, tố cáo vào sổ. Trong trường hợp công dân đến trình bày bằng miệng, Kiểm sát viên phải sử dụng kỹ năng ghi chép để ghi lại nội dung vào biên bản làm việc. Trong quá trình lắng nghe, đối với những vấn đề mà công dân chưa trình bày hoặc cần làm rõ, Kiểm sát viên nên kết hợp đặt một số câu hỏi cho công dân nhằm nắm bắt thêm những thông tin cần thiết, hướng công dân tập trung trình bày vào những phần trọng tâm của vụ việc tránh trường hợp công dân trình bày lan man, không cụ thể. Một số trường hợp, khi công dân trình bày, do hạn chế về kiến thức pháp luật mà họ có thể đưa ra thông tin chưa chính xác, Kiểm sát viên lúc này phải kết hợp với việc đọc đơn và kiểm tra các tài liệu đi kèm để xác thực lại. Kiểm sát viên có thể bày tỏ một số thái độ, thể hiện sự cảm thông với công dân nhằm khuyến khích công dân trình bày, làm sao để cho công dân một tâm thế thoải mái, sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện cho họ trình bày hết những vấn đề cần thiết, không che giấu. Tuy nhiên, tuyệt đối không được hứa hẹn về việc giải quyết hay thông báo cho công dân nội dung hoặc kết quả của vụ việc khi chưa được kết luận chính thức bằng văn bản.
Giai đoạn 3 (giải thích và đối thoại): Đây là giai đoạn quan trọng nhất mang tính quyết định trong công tác tiếp công dân. Để có thể làm tốt giai đoạn này, trước hết Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của pháp luật. Khác với việc tiếp đương sự, người tiếp đã nắm bắt rõ ràng và chi tiết về nội dung và bản chất vụ việc, sơ bộ về người cần tiếp cũng như nắm chắc về các quy định thuộc lĩnh vực nghiệp vụ của mình, việc tiếp công dân yêu cầu Kiểm sát viên phải có kiến thức pháp luật tổng quát trải dài qua các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án…; không chỉ là các quy định trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo mà còn các quy định luật nội dung cũng như tố tụng. Như vậy, đòi hỏi Kiểm sát viên phải không ngừng bổ sung kiến thức chuyên môn, cập nhật các quy định mới.
Đối thoại là cách thức trao đổi và tiếp nhận thông tin qua lại giữa Kiểm sát viên và công dân, là một tiến trình bao gồm các bước lắng nghe, trình bày và thông cảm. Đối thoại nhằm xác định rõ ràng bản chất của vụ việc và tìm hướng giải quyết vấn đề trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng, cùng bàn bạc và đúng quy định pháp luật. Trong các Chỉ thị cũng như hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành, Viện kiểm sát luôn đề cao việc đối thoại, gắn đối thoại với việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Kiểm sát viên trong khi đối thoại với công dân phải giữ thái độ nhẹ nhàng, kiên trì; khi giải thích hướng dẫn pháp luật phải chính xác, dứt khoát, đưa ra được các căn cứ pháp luật xác đáng. Kiểm sát viên phải ghi nhớ đối thoại chứ không đối đầu với công dân.
Quá trình hướng dẫn và giải thích pháp luật thường xuyên xảy ra trường hợp công dân có thái độ tiêu cực, có thể dẫn đến quá khích, lúc này phải yêu cầu công dân bình tĩnh, giải thích về các trường hợp từ chối tiếp công dân theo khoản 2 điều 9 luật Tiếp công dân và điều 3 Quy trình tiếp công dân 249. Ngoài ra, cũng xảy ra nhiều trường hợp Kiểm sát viên đã kiên trì giải thích nhưng công dân cố tình không nghe, không hiểu hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chuyển hướng vụ việc. Vậy, trường hợp đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã được cấp có thẩm quyền kiểm tra lại nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu nại kéo dài hoặc chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại thì giải quyết căn cứ vào các điều kiện được quy định tại điều 25 của Quy trình tiếp công dân 249, Kiểm sát viên tiến hành từ chối tiếp công dân theo quy định.
Luôn gắn công tác tiếp công dân với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cộng đồng. Để làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến thì trước hết Kiểm sát viên phải làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân, việc giải thích hướng dẫn pháp luật phải chính xác, có căn cứ chặt chẽ, từ đó công dân mới có niềm tin vào người cán bộ và mới có thể tác động vào nhận thức của họ. Vì vậy, Kiểm sát viên được lựa chọn phải là những người có chuyên môn, trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng thì mới có thể thực hiện tốt công tác này.
Như vậy, có thể thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên và không thể thiếu trong hoạt động quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và hoạt động quản lý nhà nước nói riêng. Nhờ hoạt động này mà chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; Công dân có niềm tin lớn đối với cơ quan pháp luật. Thông qua bài viết này, hy vọng có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để có thể góp phần nâng cao kỹ năng tiếp công dân tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nói riêng, Ngành kiểm sát nói chung.
Nguyễn Thị Cẩm Tiên
VKSND TP Cần Thơ