Ngày 31/5/2024, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự phúc thẩm về “Tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản liền kề”, giữa nguyên đơn bà Phan Thị Kim Nh, ông Nguyễn Minh Th và các bị đơn ông Nguyễn Văn N, bà Lê Thị Ph, ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Phước T, bà Đinh Thị T, ông Lâm Tấn T, ông Lâm Tấn Ph, ông Lê Văn Th, bà Lê Thị Thanh H.
Đây là vụ án phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng, phần đất tranh chấp đã chuyển nhượng, tặng cho nhiều người và cũng là loại tranh chấp xảy ra phổ biến trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong nhiều năm trở lại đây. Vụ án được lựa chọn thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm đảm bảo các tiêu chí theo tinh thần Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC về việc Kiểm sát viên tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm.
Theo hồ sơ vụ án thể hiện: Nguyên đơn ông Nguyễn Minh Th cho rằng nguồn gốc thửa đất 757 và thửa 734 trước đây nguyên đơn ông Th và bà Nh nhận chuyển nhượng của ông Cao Thanh Đ toàn bộ 02 thửa trên, tổng diện tích là 1.040m2, tọa lạc tại khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Giáp ranh với thửa đất của nguyên đơn ông Th, bà Nh là thửa 446, trước đây là của ông Nguyễn Văn N, sau này ông N đã tặng cho một phần cho vợ, các con ông N, đồng thời chuyển nhượng cho một số người hiện đang ở trên phần đất tranh chấp. Nguyên đơn cho rằng, trong quá trình ông N sử dụng đất đã lấn chiếm qua phần đất thửa số 757 và thửa 734, nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu trả lại diện tích đất đã lấn chiếm.
Tại Bản án dân sự số 54/2023/DS-ST ngày 20/7/2023 của Tòa án nhân dân quận Bình Thủy đã tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Minh Th và bà Phan Thị Kim Nh. Buộc bị đơn ông Nguyễn Văn N có nghĩa vụ trả diện tích đất tại vị trí trí A là 31,4m2 và vị trí H là 17,5m2 cho nguyên đơn; buộc bị đơn ông Nguyễn Văn N có nghĩa vụ trả giá trị đất cho nguyên đơn số tiền là 425.580.000 đồng; ổn định cho bà Ph phần diện tích đất tranh chấp tại vị trí B (22,5m2); ổn định cho bà Đinh Thị T phần diện tích đất tranh chấp tại vị trí C (12,9m2); ổn định cho ông S phần diện tích đất tranh chấp tại vị trí G (23,5m2); ổn định cho ông Nguyễn Phước T phần diện tích đất tranh chấp tại vị trí F (32,8m2); ổn định cho ông Lâm Tấn T, ông Lâm Tấn Ph phần đất tranh chấp tại vị trí D (14,1m2); ổn định cho ôngLê Thanh Th, bà Lê Thị Thanh H phần đất tranh chấp tại vị trí E (13,3m2).
Sau khi xét xử sơ thẩm, các nguyên đơn và các bị đơn đều có đơn kháng cáo đối với Bản án dân sự số 54/2023/DS-ST ngày 20/7/2023 của Tòa án nhân dân quận Bình Thủy.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã làm rõ nội dung mà các bên tranh chấp và những nội dung mà các đương sự kháng cáo. Qua đó xác định được: phần đất của ông N có điều chỉnh biến động tăng vào những năm 2008, 2011, đồng thời tặng cho, chuyển nhượng cho nhiều người; lúc này ông Đ vẫn còn là chủ sử dụng đất thửa 757, 734, nhưng ông Đ không có ý kiến phản đối, không khiếu nại.
Nguyên đơn nhận chuyển nhượng đất của ông Đ vào năm 2018, khi chuyển nhượng các bên không đo đạc thực tế, không xác định ranh giới rõ ràng, chỉ căn cứ diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chuyển nhượng, nên không xác định được tại thời điểm chuyển nhượng đất của ông Đ dư hay thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng xác định ông N lấn ranh trong thời gian điều chỉnh biến động tăng diện tích. Tuy nhiên, lúc này ông Đ là chủ sử dụng đất, nguyên đơn chưa nhận chuyển nhượng, nhưng ông Đ không tranh chấp, nên không có cơ sở cho rằng ông N và những người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ông N lấn ranh đất của nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông N không nhận chuyển nhượng, không nhận tặng cho, không đổi đất với ai, nhưng hai lần điều chỉnh tăng diện tích để từ đó cho rằng ông N lấn chiếm đất của nguyên đơn là không có căn cứ.
Từ những lập luận nêu trên, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận kháng cáo của các bị đơn; sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ khởi kiện của các nguyên đơn. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã nhất trí với đề nghị của Kiểm sát viên, tuyên sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ khởi kiện của các nguyên đơn.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên. Bên cạnh đó, còn góp phần tăng cường công tác tự đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình./.
Hoàng Phúc – Phòng 9
VKSND thành phố Cần Thơ.