Vào ngày 16/5/2023, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm bằng hình thức trình chiếu hồ sơ. Vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở vô hiệu” giữa nguyên đơn bà Lại Thị Th và bị đơn Văn phòng công chứng CT.
Nội dung vụ án: Ngày 29/10/2018, bà Th ký hợp đồng tặng cho bà Tr nhà đất tại số 40 đường 8C2 thuộc thửa đất 1781, diện tích 60m2, điều kiện tặng cho là bà Tr có nghĩa vụ nuôi dưỡng bà Th lúc về già, hợp đồng được công chứng tại Văn phòng công chứng CT. Sau khi chỉnh lý sang tên giấy chứng nhận, bà Tr không thực hiện như đã hứa mà rao bán căn nhà. Mặt khác, bà Tr là công dân Úc, đang định cư ở Úc nên không thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà đất tại Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8, Điều 159 Luật Nhà ở và điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai. Đồng thời, lời chứng của công chứng viên thể hiện bà Tr mang 02 quốc tịch là không đúng với mẫu lời chứng tại phụ lục mẫu lời chứng số III (ban hành kèm theo thông tư 01/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp). Văn bản công chứng hợp đồng tặng cho là trái Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Vì vậy, bà Th khởi kiện, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng đối với hợp đồng tặng cho là vô hiệu, cho bà Th được đăng ký lại quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan yêu cầu bà Th giao trả nhà đất tại số 40 đường 8C2 thuộc thửa đất 1781, buộc bà Th và người liên quan di dời tài sản ra khỏi nhà.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên nhận định trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng đã được công chứng viên thực hiện đúng theo quy định tại Điều 41 Luật Công chứng. Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch; Khoản 2 Điều 7 Luật Nhà ở; Điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai quy định thì bà Tr là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở và nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Thời điểm xác lập giao dịch, các bên đều có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, nên căn cứ khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự, hợp đồng tặng cho phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm bà Tr được chỉnh lý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong hợp đồng tặng cho không kèm theo điều kiện nên chưa có cơ sở để xác định, bà Tr vi phạm nghĩa vụ của bên nhận tặng cho tài sản. Bên cạnh đó nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc công chứng vi phạm pháp luật, không chứng minh được việc tặng cho tài sản bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối, trong khi hợp đồng tặng cho được công chứng đúng trình tự thủ tục, nội dung hợp đồng và chủ thể nhận tặng cho đúng theo quy định của pháp luật, bà Tr đã đứng tên giấy chứng nhận. Do đó, chưa có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Th. Trên cơ sở hợp đồng tặng cho có hiệu lực pháp luật, bà Tr đã được Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thông qua việc chỉnh lý sang tên trên giấy chứng nhận. Do bà Tr là chủ sở hữu hợp pháp tài sản tranh chấp nên yêu cầu bà Th giao trả nhà, đất là phù hợp.
Quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên có đầy đủ cơ sở pháp lý, phân tích kỹ càng các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án nên được Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ.
Tô Nguyễn Mộng Lành
Phòng 9-VKSND TP. Cần Thơ