Đánh giá chuyển đổi số vẫn còn hiện tượng cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu nên Thủ tướng đề nghị các cơ quan làm việc theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia và tổ công tác đề án 06 chiều 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình một số bộ ngành, địa phương chưa hoàn thành tiến độ chuyển đổi số, chưa xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Việc phát triển hạ tầng số, nền tảng, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu. Nhiều hạ tầng của các cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, chưa có khả năng chia sẻ thông tin.
"Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và mục tiêu. Các cơ quan không chỉ lắng nghe phản ánh mà còn phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau", lãnh đạo Chính phủ nói.
Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình (cung cấp thông tin, thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều trên môi trường mạng); 50% dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp. Ảnh: VGP
Theo báo cáo, công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) ở Việt Nam thời gian qua có bước phát triển khá. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy doanh thu 6 tháng ước đạt 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu sản phẩm số 6 tháng ước đạt 64,8 tỷ USD, tăng 23%, nhập khẩu đạt 56,1 tỷ USD, tăng 27,2%. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo.
Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,2% về số lượng và 36,7% về giá trị. Ngành y tế đang tích cực triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; hơn một triệu người thuộc diện chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản.
Việc mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến tích cực. Kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng theo từng năm. Năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng; và 6 tháng đầu năm 2024 là trên 50.000 tỷ đồng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 6 tháng qua cũng kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; 86,3 triệu công dân được cấp thẻ căn cước gắn chip; hơn 75,7 triệu tài khoản VNeID cũng được cấp. Từ 1/7, người dân có thể sử dụng duy nhất VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Hiện có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ đã được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của đề án 06 hàng tiết kiệm hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Phạm Dự
Nguồn: vnexpress.net