Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm. Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Ngân hàng ACB và bị đơn bà Nguyễn Thị Cẩm T.
Nội dung vụ án: Vào năm 2013 bà Nguyễn Thị Cẩm T có vay Ngân hàng ACB số tiền 280.000.000 đồng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 345, TBĐ 05, tại khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, diện tích 756,0m2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà T vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng yêu cầu bà T trả số tiền 319.195.677 đồng, nếu không trả sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Bị đơn bà T có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án bác yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà với bà Kh là đúng quy định. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Kh có yêu cầu độc lập hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà với bà T vì từ khi chuyển nhượng đến nay bà không giao đất cho bà T, hiện nay gia đình bà đang quản lý, sử dụng phần đất trên.
Quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 07/11/2013 giữa Ngân hàng ACB với bà Nguyễn Thị Cẩm T là vô hiệu. Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Kh và bà Nguyễn Thị Cẩm T ngày 01/8/2013 đối với thửa đất 345, tờ bản đồ số 05, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01766 là vô hiệu.
Kiểm sát viên trong phần hỏi tại phiên tòa
Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn kháng cáo. Ngày 05/7/2022, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, nhận định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Kh và bà Nguyễn Thị Cẩm T không phải vô hiệu do giả tạo mà vô hiệu do tại thời điểm chuyển nhượng, đất cấp cho hộ gia đình, nhưng các thành viên của hộ không tham gia giao dịch theo Điều 108 Bộ luật dân sự năm 2005. Từ khi chuyển nhượng đất đến nay, các bên không tiến hành bàn giao đất mà gia đình bà Kh vẫn quản lý, sử dụng. Đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, ngân hàng cho rằng đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định nên là người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, thời điểm hai bên ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, bà T là người đứng tên quyền sử dụng đất nhưng thực tế gia đình bà Kh vẫn còn quản lý, sử dụng và không hề biết việc bà T đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Biên bản thẩm định hiện trạng không thể hiện tài sản trên đất, chủ sở hữu hợp pháp không ký tên đã vi phạm vào điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 122 và giao dịch dân sự đã bị vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị sửa bản án sơ thẩm và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Hiện nay các tranh chấp dân sự tăng nhiều về số lượng và với tính chất ngày càng phức tạp. Việc thường xuyên tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm không chỉ giúp Kiểm sát viên hai cấp nâng cao về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn nâng cao bản lĩnh của Kiểm sát viên khi thực hiện công tác xét xử.
Tô Nguyễn Mộng Lành
Phòng 9-VKSND TP. Cần Thơ