Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện cho niềm tự hào về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, là dịp để nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác kế tiếp nhau, người dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài đã lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để tri ân công đức tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, khẳng định quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc, chung tay gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường như lời dạy của các bậc tiền nhân. Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức đồng loạt cùng ngày trên khắp mọi miền của đất nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi, con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn.
Nhớ đến ngày Giỗ Tổ không phải để nhớ tới những chuyện xa xưa mà chính là để tỏ lòng kiêu hãnh rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa lâu đời. Mỗi khi Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt Nam đều hướng về Đền Hùng - nơi thờ Đức Quốc Tổ. Đền Hùng trở thành một vị trí lịch sử quan trọng được tôn kính thiêng liêng nhất.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua trên hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kế thừa truyền thống cao đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ 01 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ và cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ.
Ngày 06/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của tất cả dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam hướng về Ngày Giỗ Tổ, thể hiện lòng kính hiếu tôn trọng tổ tiên, nhưng cũng là để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.
Sưu tầm – tổng hợp: Khánh Huyền
VKSND huyện Cờ Đỏ