Bộ luật dân sự là một đạo luật rất quan trọng thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự, do phải điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội bao gồm quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, quyền sở hữu, … và cả một số quan hệ khác được luật chuyên ngành quy định riêng. Theo đó, tại Điều 3 BLDS 2015 quy định:
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Khi nói đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, thì việc đầu tiên có thể xác định các chủ thể của các quan hệ dân sự trong xã hội là cá nhân và pháp nhân đều bình đẳng khi tham gia vào các quan hệ dân sự, về cá nhân bao gồm cả quyền lợi và nghĩa vụ, không phân biệt giàu nghèo, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo … về pháp nhân thì sẽ không được phân biệt pháp nhân thương mại hay pháp nhân phi thương mại.
Khi tham gia vào các quan hệ dân sự có thể sẽ xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình thì cả cá nhân và pháp nhân đều có quyền tự do, tự nguyện cam kết để thực hiện theo thỏa thuận đó. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số giao dịch dân sự làm mất đi tính tự nguyện của các chủ thể như bị nhầm lẫn, lừa dối, hay bị đe dọa, cưỡng ép… thì lúc này giao dịch dân sự sẽ không còn giá trị như thỏa thuận ban đầu. Đồng thời, việc cam kết, thỏa thuận còn phải tuân theo theo một nguyên tắc cơ bản nữa là không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Cho nên, ở một khía cạnh nào đó, các chủ thể tham gia giao dịch dân sự chịu sự giới hạn của pháp luật, ví dụ như việc xác lập và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, …
BLDS năm 2005 chưa quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật giữa BLDS và các luật chuyên ngành khác, khắc phục điều này BLDS 2015 đã ghi nhận tại Điều 4 như sau:
1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Đây là một điểm bổ sung rất cần thiết, bởi trên thực tế trong thời gian qua, việc áp dụng pháp luật của BLDS 2005 đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc và lúng túng trong các giao dịch dân sự khác nhau khi vừa có luật chuyên ngành điều chỉnh vừa có BLDS điều chỉnh. Theo đó, tại khoản 1 Điều 4 BLDS năm 2015 khẳng định “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”, như vậy, đối các quan hệ có cùng bản chất nhưng các quy định của luật chuyên ngành vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015 hoặc không có quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của BLDS tại Điều 3 vừa viện dẫn trên thì phải áp dụng theo BLDS năm 2015 để xử lý và giải quyết.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 4 của BLDS cũng đã đưa ra nguyên tắc áp dụng giữa BLDS và điều ước quốc tế, điều này là phù hợp với thực tế, bởi vì trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nước ta đã và đang tham gia nhiều điều ước quốc tế. Theo đó, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.