Theo quy định của luật này, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri.
Để khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, người khởi kiện cần xác định rõ về quyết định hành chính do ai ban hành, hành vi hành chính do ai thực hiện. Luật quy định cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy đinh của pháp luật mà khiếu nại không đượcc giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó ( điều 115 )
Để hiểu rõ hơn về thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật, chúng tôi trích dẫn quy định của Luật khiếu nại như sau:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. (Điều 27)
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 28)
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. (Điều 33)
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền gửi đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Kèm theo đơn là toàn bộ tài liệu có liên quan đến nội dung khiếu nại.
Đối tượng khởi kiện nêu trên phải làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Điều đó có nghĩa là chỉ những quyết định hành chính, hành vi hành chính mà làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân của mình thì mới có quyền khởi kiện. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền kiến nghị đến cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi hành chính đó./.