Là Kiểm sát viên tham gia nhiều phiên tòa xét xử vụ án ly hôn, buồn có, vui có, khi nghe cả 2 người từng là vợ chồng, từng đầu ấp tay gối lớn tiếng cự cãi nhau ngay tại phiên tòa. Nhưng điều đáng buồn nhất, có lẽ là phiên tòa mới gần đây, khi được giải quyết ly hôn, đường ai nấy đi, nhưng người cha lạnh lùng chối bỏ cả đứa con của mình, chẳng muốn chi cấp dưỡng hàng tháng cho con mặc dù số tiền không lớn và người cha có khả năng cấp dưỡng.
Đó là phiên xử ly hôn của chị Nguyễn Thị H.T (SN 1998) và anh Trương Văn D (SN 1991), cùng ngụ huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Chị H.T và D tự nguyện tiến tới hôn nhân nhưng không đăng ký kết hôn. Và họ cũng đã có với nhau một con, là bé N.T.H (sinh tháng 8/2016).
Nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do vợ chồng mâu thuẫn về chuyện tiền bạc, kinh tế gia đình khó khăn, sau đó dẫn đến cự cãi. Nóng nảy, anh D đánh chị T nên chị này bỏ về nhà cha mẹ ruột sống. Từ lúc ly thân đến khi quyết định ra tòa, anh D có chủ động hàn gắn tình cảm nhưng chị T không đồng ý. Rõ ràng, tình cảm giữa anh và chị không đủ lớn để vượt qua mâu thuẫn đời thường, tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc. Dù sao đi nữa, việc anh D có chủ động làm hòa với vợ, là điều tốt. Nhưng điều khiến nhiều người tham dự phiên tòa ray rứt và có cái nhìn thiếu thiện cảm với D, chính là việc làm không tôn trọng người bạn đời.
Số là, sau khi tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Không công nhận chị Nguyễn Thị H.T và anh Trương Văn D là vợ chồng. Giao cháu N.T.H cho chị H.T tiếp tục nuôi dưỡng, nhưng anh D phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 605.000 đồng. Vậy mà, không đồng ý với bản án sơ thẩm, sau đó anh D. có đơn kháng cáo không đồng ý mức cấp dưỡng 605.000 đồng/tháng cho đến khi bé đủ 18 tuổi, với lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Theo quy định tại Điều 110 của Luật Hôn nhân và gia đình “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng”. Kháng cáo của D. không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
Sau phiên tòa D có nghĩ lại việc từ chối không cấp dưỡng nuôi con? Tuy số tiền đó có thể thông đủ cho cháu H trong một tháng nhưng với tư cách một người cha, tình thương của D giành cho con là như thế nào? Bởi việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu H để cháu có cuộc sống đảm bảo, cũng như phát triển bình thường về mặt thể chất lẫn tinh thần là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha và mẹ.