Qua thời gian kiểm sát nhận thấy công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ Ninh Kiều có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó các thủ tục tiếp nhận, trả tự do; quản lý hồ sơ, sổ sách; phân loại giam giữ; việc thực hiện các chế độ ăn, ở, cấp phát, thăm gặp, nhận quà, lưu ký; công tác y tế, vệ sinh môi trường trong và ngoài buồng giam, phòng và chữa bệnh; quản giáo, giáo dục... đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân được Nhà tạm giữ chú trọng thực hiện đúng theo những quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nhà tạm giữ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như là: Một số hồ sơ không có bản nhận xét 03 tháng về việc chấp hành nội quy, quy chế của người bị tạm giam theo quy định tại Hướng dẫn 9191 của Tổng cục VIII Bộ Công an; Không ra thông báo sắp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 7 Nghị định 89/1998; Nhiều lệnh trích xuất không ghi ngày tháng năm ra lệnh, cũng không ghi thời hạn trích xuất là bao lâu, vi phạm quy định tại Điều 20 Nghị định 89/1998.
Ngoài những tồn tại hạn chế của Nhà tạm giữ, đoàn kiểm sát cũng phát hiện những vi phạm của Cơ quan điều tra Công an quận và Tòa án nhân dân quận, như một số hồ sơ trong biên bản bắt người không có thành phần người chứng kiến và chữ ký của Điều tra viên; thiếu lý lịch bị can; Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án không tiến hành đưa vụ án ra xét xử theo thời gian quy định mà lại ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, dẫn đến bị can (bị cáo) bị giam giữ vô thời hạn; chậm giao bản án, gửi quyết định thi hành án cho bị cáo; chậm ra lệnh tạm giam mới dẫn đến người bị tạm giam bị giam giữ trong tình trạng không có lệnh.
Trên cơ sở những tồn tại trên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã kiến nghị qua kết luận, yêu cầu Trưởng Nhà tạm giữ khắc phục vi phạm và báo cáo kết quả trong thời hạn luật định. Riêng đối với những hạn chế của Cơ quan điều tra và Tòa án quận, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ có biện pháp tác động phù hợp./.